Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Truyền thông số - Điểm mới trong hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

24/06/2021 | 16:20

Ngày nay, khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nhiều bảo tàng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hiện vật, tư liệu - thư viện, nhân sự và trưng bày, phục vụ khách tham quan.

Nhận thức được lợi ích của công nghệ số, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã từng bước ứng dụng vào các hoạt động của mình. Gần đây nhất, ngày 22/4/2021, lần đầu tiên trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (Gồm: âm thanh, hình ảnh, bài viết) với 8 ngôn ngữ (Gồm: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Ý và Tây Ban Nha) trợ giúp người dùng tham quan bảo tàng trực tuyến và trực tiếp đã chính thức ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là minh chứng cho định hướng đúng đắn của Bảo tàng trong việc áp dụng tiện ích của công nghệ thông tin vào hoạt động truyền thông số.

Truyền thông số - Điểm mới trong hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Truy cập Website Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ở Việt Nam, truyền thông đã chính thức được quy định là một trong những hoạt động thiết yếu của bảo tàng tại Điều 11, Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vì những lý do khác nhau về tổ chức, nhân sự, hoặc do nhận thức về công tác này còn hạn chế mà tới nay mới chỉ có một số bảo tàng thành lập được Phòng chuyên trách về truyền thông, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 3/2015, lần đầu tiên công tác truyền thông được đặt ra và giao cho bộ phận Đối ngoại (Phòng Hành chính, Tổng hợp), với 1 cán bộ chuyên trách. Tháng 9/2018, truyền thông trở thành chức năng chính thức của Bảo tàng (theo Quyết định số 3400/QĐ-BVHTTDL ngày 12/9/2018 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Đến nay, nhiệm vụ truyền thông vẫn thuộc Phòng Hành chính, Tổng hợp. Theo thời gian, nhân sự của bộ phận Truyền thông-Đối ngoại đã được bổ sung thêm và hiện có 4 người.

Rất nhiều khó khăn, thách thức đã đặt ra đối với hoạt động mới mẻ này, khi mục tiêu là phải nâng cao mức độ nhận diện bảo tàng và gia tăng lượng khách tham quan, trong khi nền tảng truyền thông còn hết sức sơ khai. Trước đó, từ năm 2011, website của Bảo tàng được giao cho Phòng Trưng bày - Giáo dục kiêm nhiệm công tác đưa tin, quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, do chưa chú trọng đầu tư về nhân lực, kinh phí và nền tảng công nghệ nên website mới dừng lại ở mức cơ bản và còn nhiều hạn chế như: thiết kế giao diện chưa thực sự thân thiện với người dùng, nhiều trường thông tin mới chỉ có tên mà chưa được lấp đầy, hay ít cập nhật tin tức (Giai đoạn 2011-2015 đăng khoảng 100 tin bài).

Bên cạnh đó, quan hệ với các cơ quan thông tấn, báo chí còn lỏng lẻo nên có rất ít bài viết về Bảo tàng (Từ 2011 đến 2015 có 13 tin, bài trên internet). Không những thế, đội ngũ cán bộ truyền thông vừa thiếu, vừa không được đào tạo bài bản, kinh phí hoạt động còn eo hẹp… Trong bối cảnh đó, để triển khai hoạt động truyền thông một cách hiệu quả, bên cạnh việc duy trì các biện pháp truyền thông thông thường, Bảo tàng đã ưu tiên chú trọng phát triển truyền thông số.

Tăng cường các hoạt động quan hệ công chúng

Bảo tàng hết sức quan tâm tới việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các cơ quan báo chí, truyền thông, thường xuyên gửi thông tin về các sự kiện của Bảo tàng và hỗ trợ báo chí khai thác giá trị di sản mỹ thuật. Nhờ đó, lượng phủ sóng về Bảo tàng tăng lên đáng kể, ví dụ: sự kiện ra mắt sản phẩm iMuseum VFA đã được hơn 80 báo, đài và trang tin điện tử đưa tin. Đồng thời, Bảo tàng xác định nhà trường và các công ty du lịch, lữ hành là những đối tượng công chúng mục tiêu quan trọng. Bảo tàng đã ký biên bản hợp tác với một số trường liên quan đến chuyên ngành du lịch và mỹ thuật, khuyến khích đưa sinh viên đến Bảo tàng học tập và trải nghiệm. Kết quả, lượng sinh viên đến Bảo tàng tăng lên 20%, góp phần làm thay đổi tỉ lệ khách tham quan nội địa từ 17% (năm 2016) lên 30% (năm 2019) (Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và 2019 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Tương tự, đối với các công ty du lịch, lữ hành, Bảo tàng đã chủ động đối thoại, đề ra chính sách và xây dựng những sản phẩm phục vụ du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả công việc này vẫn còn hạn chế, đòi hỏi Bảo tàng phải tiếp tục có những chính sách và bước đi phù hợp hơn. Ngoài ra, Bảo tàng còn chú trọng đến việc tăng cường nhận diện, đổi mới hình ảnh và quan tâm hơn đến trải nghiệm của du khách. Theo đó, cảnh quan, sân vườn được chỉnh trang, hệ thống biển chỉ dẫn bên trong và bên ngoài được làm mới, Không gian sáng tạo cho trẻ em hoạt động đều đặn, hệ thống dịch vụ được vận hành, cung cấp nhiều trải nghiệm phong phú cho khách tham quan.

Đẩy mạnh truyền thông số

Với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, truyền thông số đang dần thay thế các phương tiện truyền thông truyền thống trước đây nhờ những ưu việt về khả năng cho phép nhiều người ở khắp nơi trên trái đất có thể tiếp cận nhanh nhất và gần nhất những thông tin cần thiết trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nhờ đó, chi phí dành cho truyền thông, quảng cáo giảm đi đáng kể, góp phần gia tăng hiệu quả truyền thông. Trang https://vnfam.vn/ là kênh truyền thông chính thức của Bảo tàng với mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh và những hoạt động của mình. Để có thể thực hiện truyền thông số, việc xây dựng website đủ nhanh, đủ mạnh, thân thiện, tiện dụng và hấp dẫn trở nên vô cùng cấp thiết.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm website của các bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, tháng 8/2018, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nâng cấp thành công website với những thay đổi căn bản về công nghệ, nội dung và giao diện. Trên nền tảng công nghệ hiện đại, các trường dữ liệu được tổ chức khoa học và dễ tiếp cận. Ngoài những thông tin cơ bản về Bảo tàng, người xem có thể chiêm ngưỡng hàng trăm hình ảnh, khám phá các bài viết về tác giả, tác phẩm, cập nhật thông tin, video clip về các triển lãm, sự kiện và hoạt động chuyên môn của Bảo tàng… Đặc biệt, hệ thống tra cứu thông minh cho phép du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin và tiết kiệm thời gian. Bên cạnh đó, giao diện của website được thiết kế hiện đại, thân thiện, màu sắc tươi tắn, phông chữ rõ ràng, thể hiện sự chỉn chu và thái độ tôn trọng công chúng của Bảo tàng.

Đến nay, đã có hơn 400 hình ảnh tác phẩm và gần 500 tin, bài được đăng trải trên website. Hơn hai năm qua, website của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút hơn 60.000 lượt truy cập, tốc độ gia tăng đều đặn trung bình 25%/ tháng. Ngoài việc đưa tin về hoạt động của Bảo tàng, Bộ phận Truyền thông còn xây dựng các video clip, “triển lãm” online và duy trì chuyên mục “Tác phẩm nghệ thuật: Những góc nhìn”. Năm 2019, Bảo tàng sử dụng fanpage, tạo kênh thông tin liên kết với trang thông tin khác, gia tăng lượng tương tác với công chúng.

Tính đến tháng 4/2021, fanpage của Bảo tàng đã có hơn 9.000 lượt theo dõi. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội năm 2020, thông qua website và fanpage, Bảo tàng đã chủ động giới thiệu một số tác phẩm ca ngợi các y, bác sĩ hết lòng tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân, hay giới thiệu chùm tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước và kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc đăng tải những tác phẩm nghệ thuật hết sức ý nghĩa vào đúng thời điểm đã thu hút sự chú ý của báo chí, truyền thông: có 23 bài báo đưa tin về các tác phẩm ca ngợi “những chiến sĩ áo trắng”, 30 bài đưa tin về chùm tác phẩm dịp 30/4 và 10 bài về chùm tác phẩm nhân dịp sinh nhật Bác Hồ. Các tin, bài đăng tải trên phương tiện truyền thông của Bảo tàng nhận được nhiều bình luận tích cực. Đặc biệt, thông tin về ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseumVFA đã thực sự thu hút sự chú ý của công chúng. Trên trang cá nhân, bạn Kiều Đức Mạnh chia sẻ: “Phải nói là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện đang có những bước đi vô cùng đúng đắn trong nghệ thuật làm nghề, từng bước đưa Bảo tàng đến gần hơn nữa với công chúng, đặc biệt là phân khúc những người trẻ. Bảo tàng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, dần thoát đi những lớp áo cũ kỹ để chuyển đổi số, khẳng định vị thế và giá trị của mình trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.”

Trải qua 55 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục và phát huy giá trị di sản mỹ thuật. Mặc dù hoạt động truyền thông mới trở thành một nhiệm vụ chính thức trong những năm gần đây, nhưng nhờ những định hướng đúng đắn và chú trọng ứng dụng chuyển đổi số nên công tác truyền thông đã bước đầu khởi sắc, góp phần vào sự phát triển chung của Bảo tàng. Bên cạnh một số thành tựu nhất định, hoạt động truyền thông còn có những hạn chế như: việc đăng tải thông tin sự kiện chưa kịp thời, hình ảnh chụp chưa chuyên nghiệp, chưa nhiều nội dung video clip và bài viết giới thiệu, đặc biệt là chưa khai thác triệt để được thế mạnh của truyền thông mạng xã hội như facebook, youtube, twitter, instagram… Để chuyên nghiệp hóa hoạt động truyền thông và để truyền thông, đặc biệt là truyền thông số thực sự đóng góp tích cực vào sự phát triển chung, Bảo tàng cần có những chiến lược phát triển đồng bộ các mặt hoặt động và đầu tư thỏa đáng về tổ chức, nhân sự và kinh phí. Trước mắt, công tác truyền thông cần tập trung hoàn thiện bộ nhận diện, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh truyền thông mạng xã hội, truyền thông số, truyền thông nội bộ, phát triển sản phẩm, tăng cường liên kết với nhà trường, với các công ty du lịch… nhằm xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực sự là điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế.

Theo Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×