Truyền dạy chữ Nôm Dao góp phần bảo tồn di sản văn hóa
09/11/2023 | 08:39Dân tộc Dao tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La có nền văn hóa truyền thống lâu đời, có tiếng nói, chữ viết riêng. Tuy nhiên, với xu thế giao lưu, hội nhập diễn ra nhanh chóng làm cho tiếng nói và chữ viết đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, do vậy, việc duy trì, phát huy chữ Nôm Dao trong đời sống của đồng bào là cách làm hiệu quả nhằm giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, người Dao Tiền sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Phù Yên. Dân tộc Dao có nền văn hoá, lịch sử lâu đời và tri thức dân gian, phong tục tập quán phong phú như cúng tổ tiên dòng họ, lễ cấp sắc, Tết thanh minh, các nghi lễ trong chu kỳ đời người...
Hiện nay, người Dao Tiền vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình, trong đó phải kể đến là chữ Nôm Dao. Nhờ có chữ viết riêng mà từ xa xưa, dân tộc Dao đã có hệ thống nguồn tư liệu quý giá với hàng chục cuốn văn tự có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Tất cả luật tục, lễ cấp sắc, lễ giải hạn, sách dăn dạy con người làm điều lành, tránh điều ác đều được ghi lại thành văn tự được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trước đây, do đời sống gặp nhiều khó khăn, nên người Dao không có điều kiện tổ chức dạy và học chữ Nôm Dao, mà chỉ thông qua truyền khẩu, học từ ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, hiện nay người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao không còn nhiều, chủ yếu là lớp người cao tuổi. Việc bảo tồn và gìn giữ chữ nôm Dao rất khó khăn, nếu không có sự quan tâm bảo tồn thì chữ viết và tiếng dân tộc Dao sẽ bị mai một.
Nhiều năm qua, Sở VHTTDL Sơn La, UBND huyện Mộc Châu, Vân Hồ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chung tay góp sức xây dựng đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển. Chú trọng đề cao vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy các loại hình di sản văn hóa đặc sắc. Quan tâm xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những người có nhiều cống hiến cho việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Dao. Thông qua đội ngũ nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng, công tác giữ gìn, phát huy di sản chữ Nôm Dao trong cộng đồng ngày càng được coi trọng.
Để bảo vệ và phát huy bền vững di sản chữ viết của dân tộc Dao, bên cạnh mở lớp ngay tại cơ sở do chính người thầy trong cộng đồng truyền dạy, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện động viên, khích lệ những nghệ nhân- chủ thể văn hóa nắm giữ và truyền dạy di sản.
Với mong muốn trang bị những kiến thức cơ bản về chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ người Dao trên địa bàn, ngày 8.11, Sở VHTTDL Sơn La đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy chữ Nôm Dao cho cộng đồng dân tộc Dao đang sinh sống trên địa bàn huyện Vân Hồ và Mộc Châu.
Việc tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy chữ Nôm Dao cho cộng đồng dân tộc Dao tiền có ý nghĩa nhằm đáp nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào Dao nói chung và chữ Nôm Dao nói riêng. Qua đó, khuyến khích đồng bào dân tộc Dao khôi phục, bảo tồn chữ viết của dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ trẻ giúp thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong đó có việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy chữ viết của dân tộc mình. Đây cũng là nội dung nhằm triển khai hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La- ông Phạm Hồng Thu nhấn mạnh.
Lớp truyền dạy có 50 học viên dân tộc Dao Tiền tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ sẽ được Nghệ nhân Ưu tú Bàn Văn Đức với vốn kiến thức Nôm Dao sâu rộng, sở hữu và lưu giữ nhiều sách văn tự cổ của người Dao truyền dạy. Hơn 20 năm qua, ông cũng là nghệ nhân dành nhiều thời gian, tâm tuyết nghiên cứu và mở lớp truyền dạy lại chữ Nôm Dao cho bà con biết đọc, viết chữ Nôm Dao cổ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao Tiền với mong muốn những tri thức cổ của người Dao không bị mai một.
Thông qua lớp tập huấn, các học viên dân tộc Dao được Nghệ nhân Ưu tú Bàn Văn Đức truyền dạy tiếng Dao, biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao, biết hát các bài hát dân ca Dao, thêm hiểu về nguồn gốc của dân tộc mình, từ đó bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau.
Hiện nay, trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ đang phát triển du lịch cộng đồng. Việc bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa chữ viết Nôm Dao cùng các di sản khác của dân tộc Dao do Sở VHTTDL và UBND huyện Mộc Châu, Vân Hồ triển khai là một hướng đi hiệu quả, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa, mà còn giúp mọi người thêm hiểu biết về ứng xử nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp của dân tộc Dao Tiền tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ.
Đây cũng là yếu tố quan trọng, giúp đồng bào dân tộc Dao Tiền nơi đây bảo tồn, lưu truyền được mạch nguồn văn hóa, tài sản quý báu của cha ông đến thế hệ mai sau, thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.