Trước mùa lễ hội năm 2011: Cảnh báo quá tải lượng khách
07/01/2011 | 21:15
Thực hiện Kế hoạch của Bộ VHTTDL về việc kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và các quy định trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trong hai ngày 5-6.1.2011, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dẫn đầu đã đến làm việc và kiểm tra Hà Nội, Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
Cùng ngày 5.1,một đoàn công tác khác của Bộ do Thứ trưởng Lê Khánh Hải dẫn đầu đã làm việc tại Bắc Ninh và Hải Dương.
Qua các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương và kiểm tra tình hình thực tế tại Đền Và, chùa Mía, thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), đền Âu Cơ, đền Hùng (Phú Thọ), Đoàn công tác ghi nhận sự cố gắng của lãnh đạo các địa phương và trực tiếp là ngành VHTTDL trong việc thực hiện nếp sống văn minh, quản lý, tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hoá.
Trước những kết quả này, Đoàn đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm chỉ đạo và ngành VHTTDL, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc lễ hội; đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao...
Việc tổ chức lễ hội tại các địa phương phải đúng quy định, mục đích, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Tổ chức lễ hội phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, cần sự thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương; tăng cường vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp, đi đôi với việc không ngừng phát huy tính chủ động,
sáng tạo của cộng đồng.
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp về ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa của Lễ hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh trong dịp Tết và mùa lễ hội. Chấn chỉnh các hành vi tiêu cực, phi văn hóa, hoạt động mê tín dị đoan, tình trạng lộn xộn tại các khu dịch vụ trên địa bàn tổ chức lễ hội.
Tại các di tích, nơi thờ tự, thực hành tín ngưỡng, cần có hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức; không để xảy ra tình trạng để tiền công đức, tiền “giọt dầu”, tiền cầu lộc gây phản cảm, thiếu mỹ quan và làm ảnh hưởng đến di tích. Quản lý hàng quán, bãi để xe, giữ gìn vệ sinh, môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch và khu vực lễ hội.
Các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí hợp lý. Để tăng cường tính chủ động và có phương án tổ chức phù hợp, Đoàn công tác đặc biệt lưu ý các địa phương chú trọng công tác dự báo lượng khách mùa lễ hội năm 2011, vì thực tế cho thấy nhiều năm trước do không chú trọng công tác này nên nhiều lễ hội diễn ra lộn xộn gây mất ANTT.
Cũng ngày 5.1, cùng với nội dung trên, Đoàn công tác kiểm tra của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Lê Khánh Hải dẫn đầu đã đến kiểm tra thực địa di tích, cũng như công tác tổ chức lễ hội tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).
Sau đó, Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành chức năng và một số đại biểu Quốc hội của tỉnh Bắc Ninh. Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành chức năng liên quan của tỉnh Hải Dương.
Tại 2 buổi kiểm tra và làm việc này, Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội của 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đoàn công tác cho rằng vẫn còn một số hạn chế, tiêu cực trong việc tổ chức lễ hội như dịch vụ
hàng quán lấn chiếm di tích, tình trạng khấn thuê, bỏ tiền giọt dầu lộn xộn trên ban thờ vẫn còn diễn ra
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Đoàn công tác đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương cùng các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, gây phản ứng trong dư luận, qua đó để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo Báo Văn hóa]]