Trưng bày hình ảnh "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình"
16/06/2020 | 14:15Tọa đàm về tiếng Phạn và văn hóa Phật giáo Việt Nam; Tổ chức khu trưng bày "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình"; Trình chiếu nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp là những thông tin văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.
Tọa đàm về tiếng Phạn và văn hóa Phật giáo Việt Nam
Theo Cổng giao tiếp điện Hà Nội đưa tin, ngày 15/6, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm về tiếng Phạn và văn hóa Phật giáo Việt Nam; tổng kết, trao giải cuộc thi viết về đất nước, con người Ấn Độ.
Tại buổi tọa đàm, bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội chia sẻ, một số nhà nghiên cứu cho rằng có dấu hiệu đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ III (trước Công nguyên) tại khu vực Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng) do một số tăng sĩ Ấn Độ đi cùng các thương nhân đến buôn bán ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm so với các tôn giáo khác và có sự gắn bó, hòa đồng với truyền thống, văn hóa, bản sắc của dân tộc Việt, được người Việt chấp nhận để có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay. Cùng với sự du nhập của đạo Phật là tiếng Phạn, một ngôn ngữ có nguồn gốc cổ xưa từ Ấn Độ cũng dần được biết đến tại Việt Nam. Tọa đàm được tổ chức với mục đích giúp các hội viên, Phật tử có thêm hiểu biết về tiếng Phạn và văn hóa Phật Giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội cho rằng, kinh Phật của Phật giáo Việt Nam đại đa số được lưu truyền dưới dạng Hán tạng và có ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế, các nghiên cứu cho thấy rằng Phật giáo Việt Nam trực tiếp đón nhận Phật giáo từ Ấn Độ. Chính những đoàn thuyền buôn người Ấn Độ đã đem Phật giáo đến Việt Nam. Vì vậy, chữ Phạn thực ra rất quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam.
Để làm rõ thêm vai trò của ngôn ngữ cổ Ấn Độ, Tiến sỹ G.B.Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội đã đưa ra những ví dụ từ các câu thơ, lời kinh và nét văn hóa của đất nước Ấn Độ. Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm cho biết rất ấn tượng với những thông tin của Tiến sỹ G.B.Harisha, từ đó thêm hiểu về mối liên quan giữa tiếng Phạn và Phật giáo Việt Nam.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội đã công bố thông tin và trao giải Cuộc thi viết về đất nước, con người Ấn Độ và tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ. Cuộc thi được phát động từ năm 2019 nhân kỷ niệm 72 năm ngày Độc lập của Ấn Độ (15/8/1947-15/8/2019) và 150 năm ngày sinh của vị cha già dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước Việt Nam và Ấn Độ.
Ban giám khảo đã trao 5 giải cá nhân và 1 giải tập thể cho các tác giả là hội viên, những người yêu mến, quan tâm đến đất nước Ấn Độ đang sinh sống tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Trưng bày "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình"
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức khu trưng bày "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình" hướng tới kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2020).
Nội dung trưng bày hướng tới mục đích tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội; kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến.
Bên cạnh đó, BTC cũng mong muốn giới thiệu tới công chúng hình ảnh về gia đình Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thông điệp gia đình là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội; nhắc nhở định hướng cho người dân trách nhiệm gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống.
Với nội dung trưng bày phong phú, hình thức thể hiện sinh động tạo hấp dẫn người xem bao gồm các hình ảnh, bản viết, biểu đồ, màn hình LED chiếu phim tài liệu, tranh cổ động, hiện vật, sách báo, Trưng bày sẽ truyền tải tới cho công chúng 3 nội dung gồm: "Nét đẹp trong văn hóa ứng xử của Người Hà Nội" giới thiệu nét văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa trong cách ăn, mặc, ở, đi lại, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Phần 2 với chủ đề "Gia đình Thủ đô thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa" giới thiệu hình ảnh triển khai công tác gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại quận, huyện, thị xã. Phần 3 với chủ đề "Công tác triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì) với nội dung phản ánh quá trình triển khai, tổ chức thực hiện tại địa phương; Phản ánh các giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam, giữ nếp nhà, kính trên nhường dưới, gia đình yêu thương nhau và niềm hạnh phúc trong sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ trong mỗi gia đình.
Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 26-28/6/2020 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chương trình điện ảnh Pháp tại Hà Nội tháng 6
Sau thời gian cách ly xã hội, Viện Pháp tại Hà Nội sẽ tiếp tục chiếu phim trở lại với hàng loạt bộ phim hấp dẫn, đa dạng thể loại.
Hơn hai thập kỷ từ sau Người tình, Điện Biên Phủ, Đông Dương…, các nhà làm phim Pháp mới trở lại Việt Nam để tiếp tục cho ra đời một tác phẩm xúc động về tình yêu thời chiến: Bầu trời đỏ (Tên gốc: Ciel rouge).
Bầu trời đỏ lấy bối cảnh cuộc chiến Đông Dương năm 1946. Chuyện phim xoay quanh tình yêu của một chàng lính Pháp có tên Phillipe và một cô gái Việt Minh tên Thi. Phillipe san Việt Nam làm nhiệm vụ và anh bị sốc khi bị buộc phải tra tấn Thi. Bị cảm hóa bởi lòng kiên cường của cô gái, Phillipe đã cùng cô bỏ trốn, băng rừng vượt suối để đi tìm nơi chỉ có hai người giữa khung cảnh hoang vu. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Olivier Lorelle, người từng được biết đến với vai trò là nhà biên kịch của 32 tác phẩm lớn nhỏ của điện ảnh Pháp, trong đó có nhiều bộ phim đáng chú ý như Indigènes (2006), Home (2008), Omar m'a tuer (2011)…
Con trai - Một bộ phim hài sắc sảo và tràn đầy cảm xúc, vừa vui vẻ, vừa u sầu, được xây dựng nên không chỉ với dàn nhân vật đặc sắc, mà còn với một kịch bản vô cùng chau chuốt.
Joseph có một gia đình nhỏ vô cùng gắn bó và thân thiết cùng hai cậu con trai Joachim và Ivan. Thế nhưng con trai út Ivan, một học sinh cấp hai đặc biệt, đang rơi vào một cuộc khủng hoảng kì lạ. Ivan trở nên cáu gắt với cha và anh trai khi hình tượng tuyệt vời của hai người đang dần sụp đổ trong lòng cậu. Anh trai Joachim cứ mãi dằn vặt về cuộc chia tay với bạn gái, làm ảnh hưởng đến việc nghiên cứu tâm thần học ở trường. Còn người cha Josheph thì đã quyết định đánh đổi sự nghiệp và danh tiếng của một bác sĩ thành công để trở thành một gã nhà văn "ăn hại". Tuy vậy, ba cha con luôn luôn dõi theo, che chở và yêu thương nhau, dù có chút vụng về, ngờ nghệch…
Không gia đình- là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thiếu nhi, câu chuyện về cậu bé mồ côi Remi với hành trình phiêu lưu đầy hào hứng của cậu đã nuôi dưỡng ước mơ được đi xa và sự kiên cường để vượt qua những thử thách, nỗi buồn trong cuộc đời. Cuốn sách dù đã xuất bản và ra mắt từ năm 1878 vẫn để lại những tình cảm đặc biệt, nhất là với những thế hệ mà sách là người bạn sẻ chia duy nhất.
Sau khi buộc phải rời xa người mẹ nuôi tốt bụng, Remi gia nhập gánh xiếc nhỏ của người nghệ sĩ bí ẩn Vitalis. Người thầy mới dạy cho cậu biết đọc, biết viết, biết hát ca, biết yêu thương cuộc sống và những người xung quanh. Trong chuyến du hành dọc nước Pháp cùng người thầy và chú chó Capi trung thành, khỉ Joli-Coeur bướng bỉnh, Remi học được nhiều điều mà cậu chưa từng biết tới, và hơn cả, cậu còn tìm thấy gia đình thực sự của mình.
Vẫn mang tinh thần của cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên, phiên bản điện ảnh của Không gia đình mang đến cái nhìn mới mẻ và hiện đại hơn rất nhiều so với bản gốc. Hành trình của cậu bé Remi trong bộ phim lần này được gói gọn lại trong vòng 1 năm thay vì cuộc phiêu lưu dài kì như trong truyện gốc.
Vũ điệu trái tim - Sau một vụ tai nạn nghiêm trọng, Lucie lo sợ phải chứng kiến giấc mơ trở thành vũ công của mình bị hủy hoại. Cô rời bỏ khu phố xinh đẹp nơi mình sống và đến vùng ngoại ô để tìm kiếm người cha mà cô chưa từng gặp mặt. Cô gái trẻ gặp Vincent, một cựu vũ công đã từ bỏ niềm đam mê của mình. Được Malik, người bạn lâu năm thúc giục, Vincent đã đồng ý huấn luyện cho Lucie và giúp cô khám phá ra một kiểu nhảy mới, breakdance. Với hai xuất thân hoàn toàn khác biệt, Lucie và Vincent sẽ cùng kết hợp lại thành một bộ đôi vũ công đầy đam mê và xúc cảm….