Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Triển khai thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

07/12/2021 | 11:33

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

Cụ thể, việc thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện nhằm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, nâng cao năng lực hoạt động của thư viện từ tỉnh đến cơ sở và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước cũng như của tỉnh.

Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 của Kế hoạch, đó là: Đầu tư cho thư viện cấp tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác; đảm bảo thư viện tỉnh, thư viện đại học có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của hệ tri thức Việt số hóa; đạt từ 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh thu thập và quản lý được số hóa; từ “70 % các công trình nghiên cứu khoa học do thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa”; 100% hệ thống thư viện huyện được hiện đại hóa và sử dụng phần mềm thư viện; 100% người làm công tác thư viện (cán bộ Thư viện tỉnh và cán bộ thư viện cấp huyện) được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại, thư viện số; 60% số thư viện huyện được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, định hướng đến năm 2030: Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông đến hệ thống thư viện cấp huyện. Đảm bảo cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

Để hoàn thành các mục tiêu, Kế hoạch đề ra 08 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, đó là: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện; Phát triển dữ liệu số ngành thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Đảm bảo an toàn, an ninh mạng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác, phát triển công nghệ thông tin.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện từng giai đoạn và cụ thể hóa vào nhiệm vụ phát triển sự nghiệp thư viện hàng năm; Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số; sử dụng và quản trị thư viện điện tử, thư viện số; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành thư viện; Chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để xây dựng và triển khai các dự án theo nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ đạo xây dựng các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên thông tin có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của địa phương đang có tại Thư viện tỉnh; Chủ trì tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói chung và thư viện nói riêng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số;…

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan chủ động lồng ghép với các chương trình, đề án khác liên quan thuộc lĩnh vực quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, triển khai phù hợp với thư viện của từng bậc học, cấp học; đối tượng bạn đọc đặc thù (người khuyết tật); Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng thư viện trường học đạt chuẩn theo các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;…

Chuyển đổi số trong ngành thư viện là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho nhân viên và đặc biệt là mang lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin. Đây là cơ sở tạo đột phá trong lĩnh vực thư viện cũng như công tác phục vụ độc giả, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành sẽ tạo bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá cho công tác phục vụ bạn đọc trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo Cổng TTĐT Tuyên Quang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×