Triển khai nhân rộng "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam" năm 2020
13/04/2020 | 15:38Lào Cai triển khai nhân rộng "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam" năm 2020; Công tác tổ chức và quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được triển khai kịp thời đến các địa phương; Lai Châu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hoá, thể thao gắn với nhu cầu người dân là những thông tin văn hoá tiêu biểu tại một số tỉnh Tây Bắc Bộ.
Lào Cai: Triển khai nhân rộng "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam" năm 2020
Sở VHTTDL xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam" năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Kế hoạch nhằm tổ chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục một cách thiết thực, phù hợp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước.
Năm 2020, Đề án sẽ được triển khai tại 05 xã, phường, thị trấn, gồm: Phường Bắc Cường - TP Lào Cai; Phường Sa Pa - Thị xã Sa Pa; Thị trấn Tằng Loỏng - huyện Bảo Thắng; Xã Tân An - huyện Văn Bàn; Xã Mường Vi - huyện Bát Xát.
Nội dung triển khai bao gồm: Thành lập Ban quản lý đề án các cấp; Tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai nội dung Đề án, lồng ghép triển khai tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Tổ chức sinh hoạt nội dung Đề án; Tổ chức kiểm tra, giám sát, báo cáo.
Các hoạt động triển khai ở cấp cơ sở phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để; đặc biệt việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam phải được duy trì đều đặn qua các buổi sinh hoạt thôn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công tác tổ chức và quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được triển khai kịp thời đến các địa phương
Theo Báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện chỉ thị 04-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI), trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được triển khai kịp thời đến các địa phương trong tỉnh.
Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đua thuyền truyền thống của người Thái tại huyện Quỳnh Nhai; Lễ hội Mùa Hoa Ban, Lễ hội Hoa Ban của người Thái; Lễ hội Xên Mường của người Lào; Lễ Cầu an (Pang A) của dân tộc La Ha; Lễ Hết Chá của người Thái trắng Mộc Châu…
Tỉnh Sơn La có 07 di tích gắn liền với tín ngưỡng dân gian và tôn giáo là: Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Sông Mã); Đền thờ Vua Lê Thái Tông (thành phố Sơn La); Chùa Vặt Hồng (huyện Mộc Châu); Đình Chu (huyện Phù Yên); Đền Hang Miếng (huyện Vân Hồ); Tháp Mường Và (huyện Sông Mã); Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu) đã thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di tích, ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Thực hiện tương đối tốt việc đốt vàng mã, không đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội. Năm 2018, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền công đức của các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh và hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện nghiêm quy chế này.
Bên cạnh các lễ hội truyền thống, ngành VHTTDL đã tham mưu cho tỉnh tổ chức một số các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh như: tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tại các huyện; Tổ chức các chương trình ca, múa, nhạc mừng Đảng, mừng Xuân; mừng các ngày lễ lớn của dân tộc; Tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc.
Ngoài ra, hàng năm tỉnh Sơn La còn tích cực đăng cai tổ chức và tham gia các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực, toàn quốc; Tham gia các hoạt động ngày hội tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nôi. Các hoạt động này đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong các dịp lễ, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc Sơn La tới du khách trong nước và quốc tế.
Các lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu là các lễ hội và nghi lễ truyền thống của các dân tộc được tổ chức quy mô tại các gia đình, dòng họ, bản, mường. Tỉnh Sơn La chỉ có 07 di tích gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy, không có các tình trạng có những hộ kinh doanh trong khu vực I của di tích, các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày ăn xin, móc túi, trộm đồ lễ, tranh giành, tăng giá cả hàng hóa dịch vụ, đổi tiền lẻ, đốt pháo nổ, thả đèn trời, các loại thực phẩm tươi sống …. Nhưng hàng năm, tỉnh Sơn La vẫn tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các lễ hội để nhắc nhở không cho các tình trạng vi phạm trên diễn ra trong lễ hội.
Lai Châu: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hoá, thể thao gắn với nhu cầu người dân
Để nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với việc xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến thôn, bản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của của các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu hưởng thụ, giao lưu, sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể thao của các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động nhân dân, các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và cấp thôn, bản. Đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có; Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hiện có, xây dựng các tiêu chí cho từng công việc; Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút các chuyên gia giỏi hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hoá, thể thao gắn với nhu cầu người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cấp huyện, xã, làng, bản, tổ dân phố và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng núi, thu hút nhân dân tham gia hoạt động; nâng cao hiệu quả các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa thể thao, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hoá, thể thao cơ sở.