Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
06/11/2024 | 16:34Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDLtại Chỉ thị số 30/CT-TTg; Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các đơn vị tại địa phương theo thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3316/QÐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29.8.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đối với các lĩnh vực do Bộ VHTTDL quản lý.
Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDLtại Chỉ thị số 30/CT-TTg; Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và các đơn vị tại địa phương theo thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Chủ động, trách nhiệm triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững, trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Bộ VHTTDL chủ trì, gồm: Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp và rà soát, xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết hiệu quả trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển, triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng tiêu biểu gắn với vùng, miền, địa phương; Xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa; Xây dựng khung cơ sở dữ liệu và bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa; Nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đưa ra nhiệm vụ tổ chức công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, các hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Hỗ trợ, tư vấn, kết nối xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả với các tổ chức, cá nhân mong muốn khai thác, sử dụng tác phẩm; Xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số; Thúc đẩy trao đổi, hợp tác, liên kết để thúc đẩy phát triển thị trường và sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế; Xây dựng các chương trình hỗ trợ và tư vấn chuyên môn về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo Kế hoạch, Bộ VHTTDL giao Cục Bản quyền tác giả chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai theo các nội dung được phân công; làm đầu mối phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL về công tác phối hợp với các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg.
Đồng thời tổng hợp nội dung báo cáo về tiến độ triển khai, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan. Xây dựng báo cáo của Bộ VHTTDLh trước ngày 30.11 hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.12 hàng năm.
Các đơn vị: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin chủ trì triển khai, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao. Các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai Kế hoạch này tại tỉnh, thành phố.
Đồng thời, Bộ cũng đặt ra yêu cầu trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh các nội dung cần điều chỉnh, đề nghị các cơ quan, đơn vị có văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, quyết định.