Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trao giải Cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác"

20/05/2020 | 13:53

Trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân tham dự cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác"; Hưng Yên ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú"; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là nhưng thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Trao giải cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác" - Ảnh 1.

Trao giải thưởng cho cá nhân có tác phẩm xuất sắc viết về cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác". Ảnh: Báo Thái Bình

Thái Bình: Chiều 19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo, 04 năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các cấp ủy, tổ chức đảng, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên, là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cấp ủy các cấp luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về những mô hình mới, cách làm hay, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa sâu rộng, làm cho việc thực hiện Chỉ thị số 05 ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả thực chất, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra. Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao và toàn diện; huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận về những kết quả đạt được, những hạn chế, bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ, giải pháp trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị và phát động tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V năm 2020; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo tổng kết cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác" và cuộc thi viết về "Người Thái Bình, đất Thái Bình".

Theo đó, Ban Chỉ đạo cuộc thi đã trao giải thưởng cho 28 tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc viết về cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình thực hiện Di chúc của Bác"; trao 16 giải cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí và 14 tác giả có tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải cuộc thi viết về "Người Thái Bình, đất Thái Bình"; trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho nhóm tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình thực hiện phim tài liệu "Thái Bình 130 năm trong ngàn năm lịch sử".

Hưng Yên: Hội đồng xét tặng "Nghệ nhân Nhân dân","Nghệ nhân ưu tú" tỉnh Hưng Yên vừa ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân","Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hưng Yên lần thứ Ba – năm 2021.

Mục đích ban hành Kế hoạch nhằm xét chọn, tôn vinh những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, ở các lĩnh vực: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống; tri thức dân gian, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - năm 2021.

Tổ chức xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đúng đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ - CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ, đảm bảo tiến độ.

Nội dung thực hiện: Tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên về Nghị định 62/2014/NĐ - CP của Chính phủ, Kế hoạch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân, "Nghệ nhân ưu tú " trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hưng Yên lần thứ Ba - năm 2021 .

Tổ chức hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, triển khai xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đúng quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ - CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ.

Tổ chức các Hội nghị bình xét danh hiệu, lấy ý kiến của cộng đồng và hoàn thiện hồ sơ xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trình Hội đồng cấp Bộ chậm nhất là ngày 16/10/2020 .

Đồng thời, giải quyết đơn, thư, kiến nghị liên quan đến công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Hội đồng xét tặng. Tổ chức lễ trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - năm 2021 sau khi có Quyết định của Chủ tịch nước.

Vĩnh Phúc: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo báo cáo, những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các lễ hội cơ bản được tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi, lành mạnh thu hút người dân tham gia. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức.

Năm 2018, Sở đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới nhằm đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, khắc phục tình trạng chen lấn xô đẩy gây phản cảm như: Đề án đổi mới hình thức tổ chức của Lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương) từ hình thức "cướp chiếu" sang "tản chiếu phát lộc", phương án chuyển đổi hình thức tổ chức của Lễ hội Cướp phết (xã Bản Giản, huyện Lập Thạch) từ cướp phết sang diễn phết… Các địa phương đều xây dựng, phê duyệt kịch bản, yêu cầu Ban tổ chức Lễ hội ký cam kết đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong lễ hội.

Thông qua công tác tuyên truyền Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc chấp hành nếp sống văn minh trong lễ hội của cán bộ, đảng viên thời gian qua đã có chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 được cán bộ, đảng viên và nhân nhân đồng tình ủng hộ. Cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc tham gia lễ hội, không còn tình trạng cán bộ, công chức đi lễ trong giờ hành chính; lợi dụng xe công để tham gia lễ hội.

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×