Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trải nghiệm văn hóa địa phương ở Tuyên Quang

20/01/2025 | 09:16

Thời gian qua, Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh Tuyên Quang đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tại Tân Trào, tạo sự đa dạng, khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch, góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng.

Đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa

Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch tỉnh cho biết: vừa qua, Ban Quản lý các Khu Du lịch tỉnh đã tổ chức phục dựng một phần đám cưới của đồng bào Tày nhằm giới thiệu nét đẹp Văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách. Đến với Tân Trào, ngoài việc du khách được tham quan hệ thống các di tích lịch sử tiêu biểu trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp thì du khách còn có cơ hội tham quan, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa bản địa như: trải nghiệm tham dự đám cưới truyền thống của đồng bào Tày; bơi mảng, hát Then trên hồ Nà Nưa; ngâm chân lá thuốc; trải nghiệm làm cô dâu, chú rể, thưởng thức cỗ cưới truyền thống của đồng bào Tày.

Trải nghiệm văn hóa địa phương ở Tuyên Quang - Ảnh 1.

Phục dựng một phần đám cưới người Tày, phục vụ phát triển du lịch văn hóa

Cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm leo núi cung đường chiến khu giữa đại ngàn, chinh phục đỉnh núi Hồng; check-in “Cây di sản” gần 300 năm tuổi, tham quan rừng vầu nguyên sinh, rừng táu cổ thụ; trải nghiệm thi bắt cá bằng nơm, thi chế biến các món ăn từ cá; thưởng thức buffet kháng chiến: làm cơm lam, bánh dày, bánh trứng kiến; cá suối chiên, gà đồi, thịt lợn mán; check-in đảo hoa Khuôn Pén và cặp đàn Tính khổng lồ; trải nghiệm xe đạp xanh…

Anh Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch Đại Phong Let’s Tour (Hà Nội) cho biết anh vừa có trải nghiệm 2 ngày 1 đêm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Anh bảo: Mình làm tour lâu năm rồi, từng gặp, tiếp xúc với rất nhiều dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, nhưng đây là lần đầu tiên mình được hòa mình vào đám cưới của đồng bào Tày, một hoạt động cộng đồng rất vui, mang đặc sắc văn hóa vùng miền, thu hút sự chung vui náo nức của cả cộng đồng. Trở về Hà Nội rồi, trong đầu mình vẫn lâng lâng những ấn tượng đẹp về những người dân chiến khu cách mạng nồng hậu, chu đáo, nhiệt thành, mến khách. Rất ấn tượng.

Sản phẩm du lịch là một trong những thành tố cấu thành điểm đến du lịch, là yếu tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn của điểm đến, thúc đẩy việc lựa chọn điểm đến của du khách. Sản phẩm du lịch cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt và sự cạnh tranh trong hệ thống các điểm đến. Vì vậy, tài nguyên văn hóa nếu được khai thác có trọng tâm, trọng điểm sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn cho sự phát triển du lịch, thành điểm nhấn sinh động trong bức tranh du lịch văn hóa đầy màu sắc.

Gắn kết du lịch với văn hóa địa phương

Thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) có 180 hộ, 773 nhân khẩu và có 4 dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh cùng sinh sống. Anh Bế Văn Dự, Trưởng thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết: Làng Văn hóa Du lịch thôn Tân Lập có 18 homestay; 5 nhà hàng lớn; 1 Câu lạc bộ hát Then, đàn tính với 30 hội viên; 1 đội văn nghệ của thôn với hơn 20 thành viên, phục vụ du khách ăn uống, lưu trú, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lửa trại truyền thống, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm, phát triển các dịch vụ như ngâm chân thuốc bắc, cắt thuốc bắc; cho thuê và bán trang phục dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian ở quảng trường; đan lát thủ công truyền thống...

Trải nghiệm văn hóa địa phương ở Tuyên Quang - Ảnh 2.

Tham quan Cây Si Đồng Lủm gần 300 năm tuổi

Du lịch văn hóa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc tập trung vào việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về bản sắc văn hóa phục vụ phát triển du lịch, thúc đẩy cảm hứng cộng đồng.

Chị Triệu Thị Lam Hạnh, thôn Tân Lập, xã Tân Trào người nổi tiếng biết dùng lối hát đối, hát quan làng trong các đám cưới truyền thống của người Tày cho biết: Quan làng trong đám cưới người Tày là người thay mặt bố mẹ cô dâu, chú rể ứng xử mọi việc trong quá trình đi đón dâu. Theo chị, cùng với những lời hát đối đáp mộc mạc, đầy ý vị của quan lang 2 họ, điệu hát quan làng còn mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện trong những lời gửi gắm đầy khiêm cung của họ nhà gái với họ nhà trai, như: cháu tuy về làm dâu bên gia đình, nhưng còn điều gì chưa nên, chưa phải, mong bên nội hãy tận tâm dạy bảo để cháu ngày càng hoàn thiện, trưởng thành…

Với chị Phạm Thái Hằng, du khách đến từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) thì chuyến đi Tân Trào của chị lần này không đơn thuần chỉ là những ngày nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần mà Tân Trào thực sự là một không gian “chữa lành” thực sự ý nghĩa, gác lại mọi bộn bề của cuộc sống đời thường, lần đầu tiên chị được trực tiếp hòa mình vào không gian đám cưới của đồng bào Tày, trải nghiệm đúng và thật nhất văn hóa của người Tày. 

Du lịch văn hóa là một hình thức du lịch ngày càng phổ biến, mang đến cho du khách cơ hội khám phá, trải nghiệm, hòa mình vào nét đẹp độc đáo của các vùng miền văn hóa khác nhau. Nếu biết phát huy giá trị văn hóa, tập trung tìm tòi, khai thác, định vị rõ nét dòng sản phẩm du lịch dựa trên các nền tảng văn hóa đặc sắc vốn có sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp tăng sức hút cho du lịch.

Theo Báo Tuyên Quang

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×