Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái về chính sách định hướng ưu tiên đối với lĩnh vực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

02/09/2020 | 11:32

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri kiến nghị cần có chính sách định hướng ưu tiên đối với lĩnh vực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa như tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, đồng thời khuyến khích việc khôi phục những lễ hội truyền thống và những nghề truyền thống tại địa phương để giúp người dân gắn kết với du lịch cộng đồng, tạo cơ hội để người dân tộc thiểu số vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống gắn với tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương (Câu số 3).

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3194/BVHTTDL-VP ngày 31/08/2020 về việc giải quyết kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, như sau:

Thực hiện chính sách bảo vệ và phát huy giá trị đối với di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, ngày 29/6/2010, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL quy định về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật quốc gia. Theo đó, hàng năm, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xét, công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tính đến nay, đã có 164/340 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật quốc gia (chiếm 48%) thuộc các loại hình, như: Lễ hội truyền thống, Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian, Tập quán xã hội và Tín ngưỡng, Tiếng nói chữ viết, Nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong số các di sản văn hóa phi vật đã được UNESCO ghi danh vào các Danh sách, đã trình, chờ UNESCO xem xét và đang được xây dựng, hiện có di sản văn hóa phi vật Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh (2005 và 2019), Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (đã trình và đang được UNESCO xem xét vào kỳ họp năm 2020-2022), Mo Mường (đang xây dựng Hồ sơ) là các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đã có 24 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" và 353 "Nghệ nhân ưu tú" là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là các hoạt động thiết thực và cụ thể hóa các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số và quan tâm triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ bảo tồn hơn 80 lễ hội truyền thống; Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020", tổ chức bảo tồn các lớp truyền dạy tiếng chữ tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai… bảo tồn trang phục truyền thống tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang… Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, trong đó có bảo tồn tiếng nói, chữ viết, nghề thủ công truyền thống và trang phục truyền thống…

Trong giai đoạn tới, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó chú trọng vào công tác tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức văn hóa cấp xã, các nghệ nhân, trưởng thôn, bản và người có uy tín; bên cạnh đó, tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

- Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất, nghiên cứu xây dựng để trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách đối với nghệ nhân và người tham gia công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Tập trung triển khai Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", trong đó có các nhiệm vụ ưu tiên đối với lĩnh vực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa như tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, đồng thời khuyến khích việc khôi phục những lễ hội truyền thống và những nghề truyền thống.

- Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×