Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung vào Luật quy định theo hướng tạo điều kiện để kịp thời sửa chữa, bảo tồn kịp thời các di tích
15/01/2025 | 16:29Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024 với nội dung kiến nghị như sau:
1. Cử tri cho rằng, hiện nay có nhiều trường hợp các di sản cần được bảo tồn, sửa chữa ngay, tuy nhiên muốn thực hiện sửa chữa cần thực hiện nhiều thủ tục làm kéo dài thời gian, dẫn đến các di tích xuống cấp nghiêm trọng hơn; do đó, đề nghị bổ sung vào Luật quy định theo hướng tạo điều kiện để kịp thời sửa chữa, bảo tồn kịp thời các di tích.
2. Về quản lý quỹ tại các di tích (Đình) hiện nay gặp khó khăn do bắt buộc phải gửi tài khoản tại ngân hàng, tuy nhiên muốn làm thủ tục mở tài khoản cho Đình phải có quyết định thành lập (Đình có trên 200 năm nay) không có quyết định thành lập nên không mở tài khoản được. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn, tháo gỡ về vấn đề này.
3. Cử tri kiến nghị Bộ có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên và huấn luyện viên tham gia các giải đấu quan trọng trong thời gian tới.
4. Cử tri đề nghị Bộ tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên mạng xã hội; góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm đối với các hành vi quảng cáo sai trái trên mạng xã hội; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri. Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 5803/BVHTTDL-VP ngày 31/12/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như sau:
1. Về kiến nghị bổ sung vào Luật quy định về việc bảo tồn, sửa chữa, tu sửa theo hướng tạo điều kiện để kịp thời sửa chữa, bảo tồn kịp thời các di tích
Tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đã quy định cụ thể về hoạt động bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích, theo đó người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích thực hiện việc bảo quản thường xuyên, sửa chữa nhỏ di tích không phải lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc triển khai thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ; ưu tiên sử dụng 2 vật liệu, kỹ thuật truyền thống và bảo đảm sự bền vững và ổn định của di tích. Đối với di tích trong tình trạng xuống cấp, cần thực hiện tu sửa cấp thiết, thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thực hiện đối với di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản dưới Luật quy định chi tiết các nội dung liên quan đến bảo quản di tích, tu sửa nhỏ, tu sửa cấp thiết di tích.
2. Về kiến nghị liên quan đến việc quản lý quỹ tại các di tích (Đình)
Tại Điều 32, 33 Luật Di sản văn hóa năm 2024 đã quy định rõ di tích thuộc sở hữu toàn dân phải có tổ chức được giao quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đồng thời, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm quyền quyết định việc thành lập, giao quản lý, sử dụng di tích.
3. Về kiến nghị liên quan đến việc có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên và huấn luyện viên tham gia các giải đấu quan trọng trong thời gian tới
Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn quan tâm, ưu tiên cho việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách tốt nhất cho các vận động viên, huấn luyện viên thể thao để các vận động viên, huấn luyện viên an tâm tập luyện và thi đấu, mang vinh quang cho Tổ quốc.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho các huấn luyện viên, vận động viên đã được thể chế hóa thông qua các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao năm 2018, trong đó tại khoản 1 Điều 32 quy định rõ về các quyền và nghĩa vụ của các vận động viên thể thao thành tích cao như được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao; được chăm sóc và chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu thể thao; được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền lương, tiền hỗ trợ tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật;…
- Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, gồm: tiền lương, thưởng, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên khi ốm đau, thai sản, khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu..
- Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao, theo đó đã có các quy định về việc bảo đảm học văn hóa, chính trị; ưu 3 đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; ưu đãi ưu về học nghề và giải quyết việc làm với vận động viên thể thao.
- Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy. Theo đó, tại Điều 8. Đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển "Thí sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng"
- Thông tư số 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.
Ngoài ra, thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về việc phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, theo đó Bộ Chính trị cũng đã quan tâm, chỉ đạo việc hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
Trên cơ sở các quy định của Trung ương, nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các chính sách nêu trên sau khi được ban hành đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc huy động, tuyển chọn tài năng và đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao. Tuy nhiên, một số chính sách đến thời điểm hiện nay còn thấp, nhất là chính sách liên quan đến chế độ tiền lương, do chính sách tiền lương của Nhà nước trong thời gian qua đã nhiều lần điều chỉnh nhưng chế độ tiền lương cho vận động viên, huấn luyện viên chưa được điều chỉnh, dẫn tới khó khăn trong thu hút nhân tài.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên bảo đảm phù hợp với thực tiễn; tập trung triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện hiệu quả Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035 theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền phân cấp thực hiện nghiên cứu các quy định tại Luật Thể dục thể thao năm 2018, Nghị định số 152/2018/NĐ-CP, Nghị định 4 số 36/2019/NĐ-CP và các văn bản liên quan để xây dựng, ban hành các chế độ, chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thuộc quản lý của địa phương.
4. Về kiến nghị liên quan đến việc tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên mạng xã hội
Để quản lý có hiệu quả về nội dung, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng như: tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Các quy định trên nhằm tăng cường ý thức cho người chuyển tải sản phẩm nói chung, trong đó đặc biệt là người có tầm ảnh hưởng trong việc quảng cáo khi thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến công chúng một cách trách nhiệm, trung thực và hiệu quả.
Ngày 04/7/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.