Trả lời cử tri tỉnh Yên Bái về việc xây dựng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, phù hợp với bản sắc của từng địa phương
25/02/2021 | 10:08Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 427/BDN ngày 18/12/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, phù hợp với bản sắc của từng vùng, từng địa phương, nhất là: Các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch theo chuỗi ở quy mô vùng; chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc; gìn giữ, bảo tồn tinh hoa ẩm thực truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người làm du lịch cộng đồng; hỗ trợ làm nhà mới theo kiến trúc truyền thống (ví dụ nhà sàn người Thái và nhà người Mông) gắn với phát triển du lịch cộng đồng...; Chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, đặc biệt là tại các khu du lịch hiện đang là những điểm đến mới trong nước như Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ (ví dụ việc hỗ trợ phát triển hạ tầng cung cấp wifi miễn phí cho khách du lịch, hiện nay chưa có nhiều địa phương làm do yêu cầu về hạ tầng và kinh phí triển khai); cơ chế hỗ trợ định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương trong bản đồ du lịch của cả nước, trong đó đối với tỉnh Yên Bái nói chung; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực du lịch (ưu đãi tiền thuê đất, cơ chế riêng về thủ tục xây dựng... (Câu số 6).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 544/BVHTTDL-VP ngày 24/2/2021 về giải quyết kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, như sau:
1. Đối với các chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc
Thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3965/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2015 về việc phê duyệt Dự án Chương trình hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2015-2020, nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có các chính sách hỗ trợ, bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Từ năm 2017 - 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng 14 mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh. Qua các mô hình, nhiều lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu phục dựng và xây dựng trở thành các sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch ở địa phương; vai trò chủ thể văn hóa trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; các cấp chính quyền địa phương ngày càng quan tâm, đầu tư, hỗ trợ đến công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành nguồn lực, lợi thế của địa phương về xây dựng, phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch, tạo sự phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030 các dự án của Chương trình sẽ hỗ trợ khôi phục, bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số với 19 nhiệm vụ trọng tâm.
2. Đối với các kiến nghị liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng
Loại hình du lịch cộng đồng được quy định tại Điều 5, Điều 6 Luật Du lịch năm 2017, trong đó Luật đề cập đến sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch. Việc luật hóa nội dung này đã tạo thuận lợi bước đầu cho việc ban hành những chính sách khung cho hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng hướng tới mục tiêu hỗ trợ đồng bào nghèo và đối tượng chính sách, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 cũng đã xác định "Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc".
Mặc dù chưa có chính sách riêng về phát triển du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đã có một số chính sách liên quan đến việc lồng ghép, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, làm tiền đề xây dựng chính sách riêng cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Để từng bước xây dựng chính sách riêng về phát triển du lịch cộng đồng, ngành du lịch đang nghiên cứu, xây dựng "Chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam", đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế là đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo phát triển bền vững môi trường gắn với chuyển đổi sinh kế và an sinh xã hội cho người dân. Bên cạnh đó, để Chương trình đạt được hiệu quả cao hơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lồng ghép, bổ sung chương trình hỗ trợ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với Chương trình Nông thôn mới mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng ưu tiên xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được tập trung hỗ trợ trước cho phát triển du lịch cộng đồng; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Đề án "Phát triển sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ phát triển du lịch"; tiếp tục gắn việc xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với nội dung hỗ trợ trong Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030".
3. Về chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch thông minh
Việc hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở các điểm du lịch tại các địa phương chủ yếu được thực hiện theo các chương trình, đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương trên cơ sở các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghệ thông tin.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1783/QĐ-BVHTTDL ngày 17/5/2019) tập trung vào việc xây dựng nền tảng số để các địa phương, doanh nghiệp cùng các bên trong ngành du lịch có thể cùng tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, thông qua triển khai các hoạt động chủ yếu:
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch: Đến nay đã hình thành cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch và hệ thống dữ liệu thống kê du lịch. Đang tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu thống kê về nhân lực du lịch, cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch…
- Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa các cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp: Hình thành hệ thống chế độ báo cáo thống kê trực tuyến từ cơ sở đến Trung ương; nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều hành du lịch; phát triển các công cụ trao đổi, cập nhật thông tin giữa cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong hệ thống cơ sở dữ liệu và các hoạt động tác nghiệp chuyên ngành trên nền tảng số.
- Phối hợp với các bên liên quan phát triển các ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý: Xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; xây dựng nền tảng số tích hợp các ứng dụng tra cứu thông tin, giao dịch thương mại, quản lý thông tin...; tích hợp lĩnh vực du lịch vào chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia; xây dựng sàn du lịch để kết nối du khách với hệ sinh thái du lịch thông minh; triển khai cổng thông tin du lịch thông minh VTV Travel và Tổng đài Du lịch Việt Nam 1039.
- Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin thông qua tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch để ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo trong ngành
- Hỗ trợ, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý du lịch ở các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch.
4. Về cơ chế hỗ trợ định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương
Ngày 13/7/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2522/QĐ- BVHTTDL phê duyệt Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các định hướng làm cơ sở phát triển thương hiệu du lịch cho 7 vùng và địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến như: truyền thông, quảng bá về các điểm đến du lịch các địa phương thông qua các công cụ E-Marketing, hội nghị, hội thảo, truyền hình, báo chí trong nước và nước ngoài; mời các địa phương tham gia các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, các đoàn Famtrip, Presstrip và các hội chợ du lịch quốc tế,… Tuy nhiên, định vị thương hiệu du lịch là công việc khó khăn, đòi hỏi một quá trình lâu dài và cần thực hiện mang tính bài bản và hệ thống nên công tác định vị thương hiệu du lịch của từng địa phương còn nhiều hạn chế như: hình ảnh nhận diện thương hiệu du lịch địa phương trùng lặp, thiếu yếu tố độc đáo riêng biệt; liên kết công tư và giữa các địa phương còn thiếu và yếu…
Trên cơ sở Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, mỗi địa phương đều có phân khúc thị trường khách du lịch, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm riêng và phong cách riêng để xúc tiến, quảng bá điểm đến, sản phẩm/dịch vụ của mình, do đó, mỗi địa phương cần xây dựng thương hiệu cho chính mình dựa trên những giá trị bền vững, độc đáo và phù hợp với bản sắc của từng vùng, từng địa phương.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để trả lời cử tri./.