Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP Hồ Chí Minh: Văn hóa Việt lần đầu được kể qua gốm và tre

21/07/2025 | 08:59

Lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh chào đón một chương trình nghệ thuật đặc biệt, nơi văn hóa Việt được kể qua âm nhạc từ gốm và tre. Sự kết hợp độc đáo giữa các nhạc cụ truyền thống và sáng tạo hiện đại đã mang đến một trải nghiệm đầy cảm xúc, đưa khán giả từ bất ngờ này đến thăng hoa xúc động.

Khán giả đến với GOm Show đã được chứng kiến một sự kiện nghệ thuật đậm chất sáng tạo, nơi âm nhạc không chỉ được thể hiện qua các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu mà còn qua những nhạc cụ rất đặc biệt được làm từ đất, gốm và tre. Những chiếc trống Chum, đàn Niêu hay chuông Gốm - vốn là những vật liệu quen thuộc trong đời sống người Việt đã được nâng tầm, trở thành các nhạc cụ tạo ra âm thanh kỳ diệu, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt.

TP Hồ Chí Minh: Văn hóa Việt lần đầu được kể qua gốm và tre - Ảnh 1.

Một tiết mục biểu diễn tại GOm Show.

Chương trình do nhóm nghệ sĩ Đàn Đó thực hiện, với hơn 15 năm gắn bó với các chất liệu truyền thống như tre, đất và gần đây là gốm. Sự kết hợp giữa âm nhạc và các nhạc cụ dân gian đã tạo ra một không gian âm nhạc đặc biệt, khiến người nghe không chỉ cảm nhận được âm thanh mà còn thấu hiểu được giá trị văn hóa sâu sắc của mỗi nhạc cụ.

Điều làm nên sự khác biệt của GOm Show chính là sự sáng tạo trong cách nhóm nghệ sĩ Đàn Đó sử dụng nhạc cụ dân gian vốn quen thuộc, nhưng lại được thể hiện theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ. Những nhạc cụ tưởng chừng như rất gần gũi trong đời sống như chum gốm, lu đất, hay đàn Thuyền giờ đây đã được nâng tầm thành những nhạc cụ mang âm thanh độc đáo, tạo ra một không gian âm nhạc đầy cảm xúc.

“Lần đầu tiên mình được xem một chương trình âm nhạc mà nhạc cụ lại là những chiếc lu, chum gốm và phải nói là cực kỳ bất ngờ. Âm thanh phát ra từ đất nghe vừa mộc mạc, vừa dịu dàng, như kể chuyện bằng một thứ ngôn ngữ rất riêng”, khán giả Vũ Thảo My chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên cô đến Nhà hát TP Hồ Chí Minh và mô tả cảm giác như “lạc vào một vùng ký ức xa mà quen, nhẹ tênh mà sâu sắc”.

Những nhạc cụ này không chỉ mang lại âm thanh đặc biệt mà còn đưa người nghe vào một không gian đầy cảm xúc, gợi nhớ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, được tái hiện một cách sống động qua âm nhạc.

TP Hồ Chí Minh: Văn hóa Việt lần đầu được kể qua gốm và tre - Ảnh 2.

Một trong các dụng cụ được biểu diễn tại GOm Show.

Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn, thành viên của nhóm Đàn Đó chia sẻ: “Chum gốm tưởng chừng như vật vô tri, nhưng lại có thể tạo ra những nhịp điệu tuyệt vời, không chỉ là nhạc cụ mà là cách để chúng tôi kể câu chuyện văn hóa Việt Nam - giản dị, nhưng sâu sắc. Sự kết hợp giữa âm thanh từ đất và tre đã tạo ra một không gian âm nhạc vừa mộc mạc, vừa sâu lắng, khiến khán giả không chỉ nghe mà còn cảm nhận được những giá trị di sản dân tộc qua từng giai điệu”.

Điểm đặc biệt trong GOm Show không nằm ở phần dàn dựng hoành tráng, mà là sự dung dị được nâng tầm. Tiếng sáo vang vọng rừng sâu, tiếng chim gọi ban mai vùng cao, tiếng chiêng M’nông, trống Tày, khèn Lô Lô hòa quyện trong nền âm thanh từ gốm và tre, tạo nên một “cuộc hẹn nhẹ nhàng với văn hóa Việt giữa lòng Sài Gòn”.

Đằng sau mỗi buổi diễn ngắn ngủi là một hành trình dài của nhóm Đàn Đó. Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn tiết lộ: “Chúng tôi đã có hơn 15 năm gắn bó với các chất liệu truyền thống như tre, đất, gần đây là gốm”. Chỉ riêng khâu chuẩn bị cho buổi diễn tại TP Hồ Chí Minh, ê-kíp phải đóng gói và vận chuyển 41 kiện nhạc cụ chất kín gần một toa tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn. “Chúng tôi không phải dân buôn gốm nên cả đoàn hồi hộp từng phút, không biết liệu tới Sài Gòn có vỡ chiếc nào không. Cuối cùng chỉ mất hai chum”, anh Tuấn kể hài hước.

Hành trình chuẩn bị cho GOm Show kéo dài 9 tháng, nhưng nền tảng của nó là những năm tháng dài các nghệ sĩ Đàn Đó rong ruổi khắp vùng miền, gặp gỡ nghệ nhân bản địa từ Lào Cai, Đắk Lắk, Nghệ An… rồi mời họ về Hà Nội làm việc chung.

“Chúng tôi từng mời gần 50 nghệ nhân từ khắp miền về làm việc tại Hà Nội suốt 1 năm trời. Thông qua âm thanh gốm, chúng tôi mong muốn mang đến một phần nhỏ di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước”, nghệ sĩ Đức Minh chia sẻ.

TP Hồ Chí Minh: Văn hóa Việt lần đầu được kể qua gốm và tre - Ảnh 3.

Sau phần biểu diễn, các nghệ sĩ của chương trình đã ở lại giao lưu, đáp lại sự quan tâm nhiệt tình ấm áp của khán giả Sài Gòn.

GOm Show không chỉ là một chương trình biểu diễn mà còn là một sân chơi sáng tạo, nơi những nghệ sĩ đến từ các nền tảng âm nhạc khác nhau va chạm, thử nghiệm và tìm ra một tiếng nói chung. Nghệ sĩ trẻ Thịnh kể: “Ban đầu chỉ là thử chơi ngẫu hứng với nhau. Rồi anh Minh đứng ngoài quan sát, từ từ gom lại những ý tưởng thành một bản tổng phổ sống động”.

Theo Giám đốc sản xuất, nhóm cũng có có kế hoạch ghi âm để phát hành trên các nền tảng số và dự kiến sẽ biểu diễn định kỳ 3 buổi mỗi tuần tại một nhà hát nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho khán giả nội địa và quốc tế tiếp cận dễ dàng hơn. “Đây là nghệ thuật đỉnh cao, nhưng rất gần gũi. Nếu được quảng bá rộng rãi, đây sẽ là một điểm đến văn hóa rất hấp dẫn với du khách”, đại diện một công ty du lịch quốc tế tại TP Hồ Chí Minh nhận định.

Ca sĩ Thảo Trang, một khán giả đặc biệt của đêm diễn cũng bày tỏ sự xúc động và ngưỡng mộ: “Em mong sẽ có thêm nhiều show diễn như thế này ở TP Hồ Chí Minh và được giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Đây là một trải nghiệm văn hóa rất khác biệt và sâu sắc”.

GOm Show không đơn thuần là một buổi trình diễn âm nhạc. Đó là bản hòa tấu của đất - gốm - tre và cả trái tim người Việt. Một dự án âm nhạc đậm chất bản địa nhưng hướng tới tương lai, mang thông điệp: Muốn mở ra những chân trời mới, phải gom lại từ gốc rễ của mình. Và trong tiếng ngân vang từ gốm đất ấy, người Sài Gòn đã có một đêm cuối tuần chậm lại với đầy ắp yêu thương và tự hào văn hoá.

Theo Báo Tin tức và Dân tộc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×