TP. Hồ Chí Minh thi hành pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số
19/10/2020 | 07:43Mới đây, UBND T.P Hồ Chí Minh đã có báo cáo kết quả thi hành pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, công tác chỉ đạo, triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên, trong đó công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm hàng đầu.
Nhiều chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số ; chính sách vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo; chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn Thành phố đang học từ mẫu giáo đến Trung học phổ thông ; chính sách về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo ; chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thành phố tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học…
Thành phố còn có chính sách hỗ trợ cho giáo viên người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn dạy tiếng dân tộc với mức hỗ trợ bằng 0,5 lần mức lương cơ sở ; biên soạn bộ tài liệu dạy và học tiếng Hoa, Khmer, Chăm cho cán bộ, công chức và đồng bào người Hoa, Khmer, Chăm tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020; triển khai sâu rộng công tác khuyến học trong đồng bào các dân tộc; khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến tài, trao tặng học bổng cho học sinh sinh viên học giỏi tiếng Việt, học tốt tiếng Hoa với mức chăm lo ngày càng tăng tạo điều kiện cho con em người dân tộc học tập ngày càng tốt hơn.
Các chính sách giáo dục, chính sách dân tộc đặc thù đã phát huy tác dụng, động viên đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng hơn việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế như việc phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế, văn hóa của đồng bào người Hoa chưa tương xứng với nguồn lực trong đồng bào. Đồng bào các dân tộc chưa thể hiện vai trò chủ động tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy "Di sản văn hóa phi vật thể", bản sắc văn hóa dân tộc cũng như việc thụ hưởng các thiết chế văn hóa còn hạn chế. Bên cạnh đó chưa có nhiều cơ chế, chính sách hữu hiệu, thiết thực động viên khuyến khích đồng bào tham gia.
Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo Ban Dân tộc triển khai thực hiện các hoạt động:
Công tác tập huấn chính sách, pháp luật luôn được Thành phố quan tâm thực hiện; kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số các quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể:
Hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc, người có uy tín, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội các nội dung liên quan đến các quy định pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, chiến lược công tác dân tộc; chính sách dân tộc và việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc; văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, các nội dung về vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài giảng dạy trên lớp, Ban Dân tộc còn tổ chức các buổi đi khảo sát thực tế tại các hội quán, cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số để giúp cho học viên hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phốĐể góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Ban Dân tộc cũng như các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân 24 quận – huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn dân cư (phường xã, khu phố, tổ dân phố) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận pháp luật. Qua đó, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cùng góp sức với chính quyền trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.
Năm 2019, Ban Dân tộc đã tổ chức biên soạn, biên dịch các chính sách dân tộc đặc thù trên địa bàn Thành phố, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sang ngôn ngữ Hoa, Chăm, Khmer và phát hành 3.000 tài liệu dưới dạng hỏi đáp để tuyên truyền rộng rãi trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trang thông tin điện tử Ban Dân tộc thường xuyên đăng tải, cập nhật các công văn chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch, thông báo về việc triển khai thực hiện những quy định pháp luật về công tác bảo tồn văn hóa, chính sách dân tộc; các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố và cả nước.
Công tác thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số trong thời gian qua nhận được quan tâm đầu tư đúng mức, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước "bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển" góp phần giữ vững ổn định chính trị của Thành phố, tạo sự đồng thuận cao của xã hội và góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc đã có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị các cấp đã nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của công tác dân tộc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư từ trong chính cộng đồng chủ thể và nhà quản lý góp phần tạo nên khối đoàn kết toàn dân tộc của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.