Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP Hồ Chí Minh: Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững

17/04/2025 | 09:51

Chiều 16/4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “50 năm văn hóa, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”.

TP Hồ Chí Minh: Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Sự kiện không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ hình thành và phát triển văn hóa nghệ thuật mà còn là cơ hội để TP Hồ Chí Minh lắng nghe những đề xuất, hiến kế giá trị cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: sau 50 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật lớn của cả nước. Trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng, không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nên bản sắc đặc trưng cho đô thị sáng tạo, nghĩa tình này.

“Thành phố luôn xem việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi mong rằng tọa đàm hôm nay sẽ đón nhận được nhiều góp ý sâu sắc từ các nhà khoa học, nhà quản lý và giới văn nghệ sĩ, để cụ thể hóa phương hướng phát triển văn học nghệ thuật gắn với thực tiễn của Thành phố”, ông Lê Hồng Sơn bày tỏ.

Theo ông Lê Hồng Sơn, TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (ngày 16/8/2008) về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là nền tảng chính trị quan trọng để thành phố định hướng lại chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển.

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, Đạo diễn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Đạt, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong suốt 50 năm qua, bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Thành phố đã được làm giàu bằng nhiều giá trị mới đến từ quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Sau năm 1975, TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, tập trung nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực này, đồng thời là nơi tổ chức đa dạng các hoạt động đào tạo, sáng tác, biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước.

TP Hồ Chí Minh: Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - Ảnh 2.

Việc tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật mang âm hưởng lịch sử ngày càng thu hút người trẻ đến xem.

Theo ông Nguyễn Thanh Đạt, Thành phố còn là nơi nuôi dưỡng cộng đồng trẻ với tinh thần sáng tạo mạnh mẽ trong nghệ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người trẻ chưa ý thức đầy đủ về vai trò của văn hóa nghệ thuật trong đời sống xã hội. Từ đó, ông đề xuất TP Hồ Chí Minh, trực tiếp là Sở Văn hóa và Thể thao cần xây dựng các chính sách khuyến khích sáng tạo, đồng thời tạo cơ chế quảng bá các sản phẩm nghệ thuật của giới trẻ.

“Nếu được đầu tư và định hướng đúng đắn, giới trẻ thành phố không chỉ là người yêu nghệ thuật mà còn trở thành lực lượng sáng tạo, góp phần phát triển bền vững nền văn hóa thành phố trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Đạt nói.

Từ góc nhìn quản lý nhà nước, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố luôn duy trì tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác văn học nghệ thuật thường xuyên để phát hiện, bồi dưỡng tài năng và khuyến khích hoạt động sáng tác. Các tác phẩm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tôn vinh giá trị truyền thống, ca ngợi quê hương đất nước và phản ánh sinh động công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

TP Hồ Chí Minh: Phát huy truyền thống 50 năm để phát triển văn hóa bền vững - Ảnh 3.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cho đại biểu tham dự tọa đàm.

NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thành phố trong hoạt động nghệ thuật và ứng xử xã hội. Vừa qua, đội ngũ văn nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh đã góp phần khơi gợi cảm hứng tích cực trong cộng đồng, tiên phong trong nhiều phong trào xã hội, đồng thời tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và sức sống bền bỉ qua thời gian. Trong đó, nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị sở, ngành, địa phương; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và các hội chuyên ngành cùng đông đảo văn nghệ sĩ cũng đã phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực. Các nội dung tập trung vào việc nâng cao chất lượng sáng tác, mở rộng không gian biểu diễn, tăng cường giao lưu nghệ thuật quốc tế và cải thiện chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ. Những đóng góp này sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố đánh giá, định hướng phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Tin tức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×