Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP. Hồ Chí Minh đề xuất 4 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm tốc độ tăng trưởng

14/05/2025 | 22:09

Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.

Kế hoạch được ban hành nhằm đạt được mục tiêu, đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. TP.HCM trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

Để thực hiện Kế hoạch này, Thành phố đề xuất 4 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo; Đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến du lịch.

Trong đó, Thành phố đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo bằng cách: tăng cường các hình thức tuyên truyền, quảng bá. Xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến - quảng bá điểm đến du lịch địa phương với tâm điểm là du lịch kết hợp với các dịch vụ địa phương có thể cung ứng như di chuyển, lưu trú, ăn uống... trong từng giai đoạn và hàng năm để kêu gọi xúc tiến đầu tư.

Chú trọng việc quảng bá các sản phẩm du lịch thông qua công nghệ 4.0, đồng thời, chuẩn hóa thông tin quảng bá du lịch, bố trí các quầy thông tin du lịch… đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng cáo sản phẩm du lịch, tổ chức các cuộc thi chọn biểu tượng và khẩu hiệu cho du lịch Thành phố. Xây dựng các ấn phẩm chuyên nghiệp, bắt mắt bằng nhiều thứ tiếng, ấn phẩm chuyên đề riêng (du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái...).

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khách du lịch là trung tâm của của công tác phát triển hệ thống du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến Thành phố, từ đó thu hút khách du lịch quay trở lại, nâng cao hiệu quả công tác kích cầu du lịch.

Xây dựng phần mềm ứng dụng du lịch thông minh, tăng cường thông tin qua hệ thống tin nhắn điện thoại, tích hợp thông tin dịch vụ du lịch theo quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các nền tảng thương mại điện tử du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đặt dịch vụ trực tuyến.

Thành phố cũng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường du lịch. Nâng tầm và nâng chất các sự kiện định kỳ hiện có của du lịch Thành phố. Phối hợp các đơn vị tổ chức các sự kiện định kỳ hàng năm, hướng đến mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến của các sự kiện.

Cùng với đó, tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch Thành phố đến các thị trường nước ngoài bằng nhiều hình thức. Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến TP.HCM, gia tăng độ dài lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 4 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 2.

Khách du lịch dễ dàng tiếp cận các điểm đến tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch mang đặc trưng của Thành phố, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Thành phố với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả với các sản phẩm du lịch…; các sản phẩm du lịch gắn với di sản, lễ hội, sự kiện, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực; du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch sinh thái; du lịch thể thao, thể thao mạo hiểm; du lịch MICE; du lịch giáo dục; du lịch du thuyền; du lịch công nghiệp; phát triển các sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí gắn với kinh tế ban đêm và công nghiệp văn hóa tại Thành phố.

Thành phố cũng phát triển du lịch xanh theo nguyên tắc phát triển bền vững, đặc biệt coi trọng gìn giữ và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng trải nghiệm cho du khách. Tập trung phát triển các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, quy mô lớn tại khu vực động lực phát triển du lịch nhằm tạo thương hiệu, điểm đến cho ngành du lịch; đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối đến các cụm du lịch, khu du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch.

Thành phố không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch, thiết lập các phần mềm quản lý các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành, số hóa di tích, vận hành cổng thông tin du lịch thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, ứng dụng công nghệ… và phát triển du lịch Thành phố trên các nền tảng công nghệ hiện đại, góp phần tạo không gian thông minh, xây dựng phát triển quảng bá đa dạng các loại hình dịch vụ cho phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm sự tăng trưởng và gắn liền bảo đảm lợi ích của người dân trong quá trình phát triển du lịch.

Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến du lịch bằng cách đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường bộ, đường thủy và đường sắt, cảng biển, cầu tàu, bến bãi phục vụ phát triển du lịch bằng hình thức hợp tác công tư hoặc xã hội hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến du lịch; xử lý các hành vi vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh và thân thiện.

Tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch. Thiết lập và công bố đường dây nóng đa ngôn ngữ để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của du khách, kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Thành phố cũng giao cho các Sở Du lịch, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố, UBND các cấp và Hiệp hội Du lịch Thành phố thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao (trước ngày 01/12 hằng năm) gửi Sở Du lịch tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.

KV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×