Du lịch

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030

28/04/2025 | 15:24

Năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 65 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng, đóng góp 405.300 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 22% GRDP của thành phố… Đây là một nội dung quan trọng trong Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chung, đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. TP.HCM trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030 - Ảnh 1.

Bưu điện Thành phố - điểm đến thu hút du khách tới tham quan tại TP.HCM

Trong đó, cụ thể, năm 2025: TP.HCM đón khoảng 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 45 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 260.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 227.500 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 13% GRDP của thành phố; có khoảng 77.000 phòng lưu trú; tạo ra 186.000 lao động trực tiếp.

Năm 2030: TP.HCM đón khoảng 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 65 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng, đóng góp 405.300 tỷ đồng vào GRDP - tương ứng với 22% GRDP của Thành phố; có tổng số 98.000 phòng lưu trú; tạo ra 230.000 lao động trực tiếp. Tổng mức vốn đầu tư cần thiết cho giai đoạn 2025-2030 sẽ ở mức 280.000 tỷ đồng, tương đương 11,2 tỷ USD. Có 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.

Thành phố cũng đưa quan điểm và tầm nhìn về phát triển du lịch Thành phố, theo đó, quan điểm phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 bao gồm:

Thứ nhất, phát triển du lịch TP.HCM phải gắn với Đề án và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và của vùng Đông Nam Bộ; phù hợp với quy hoạch của thành phố và thống nhất với các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn.

Thứ hai, phát triển du lịch TP.HCM thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội; phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn tài nguyên, môi trường, văn hoá, đóng góp tích cực cho cải thiện chất lượng sống đô thị và ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, phát triển du lịch TP.HCM dựa vào nội lực, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng chất lượng tăng trưởng và tính chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch cùng với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến nhằm góp phần xây dựng thương hiệu TP.HCM.

Thứ tư, phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các thế mạnh đặc thù về du lịch của Thành phố.

Thứ năm, phát triển du lịch TP.HCM không tách rời các mục tiêu bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Thứ sáu, phát triển du lịch TP.HCM trong mối liên kết chặt chẽ và thực chất với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa bàn trọng điểm du lịch trên phạm vi cả nước để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch.

Xác định rõ "tầm nhìn" cho du lịch TP.HCM là rất quan trọng đối với "Đề án phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030", trên cơ sở phân tích đặc điểm và lợi thế cũng như vị thế của điểm đến du lịch TP.HCM trong Đề án phát triển du lịch Việt Nam, "tầm nhìn" cho phát triển du lịch TP.HCM được xác định như sau: "Đến năm 2050, TP.HCM trở thành điểm đến du lịch sống động (vibrant destination) hàng đầu châu Á, nơi du khách sẽ không chỉ có được những trải nghiệm đặc sắc, khác biệt vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình về văn hóa lịch sử, con người và lối sống cộng đồng của một đô thị hiện đại, xanh và thông minh, mà còn về thiên nhiên - nơi những giá trị toàn cầu được bảo tồn.

Những giá trị cốt lõi của "tầm nhìn" bao gồm: Điểm đến hàng đầu: trở thành điểm đến mà du khách sẽ ưu tiên lựa chọn khi có kế hoạch đi du lịch ở một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á hoặc Châu Á; là điểm đến du lịch: Có bản sắc và chất lượng cao, có sự khác biệt trong sản phẩm du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, về con người và lối sống của một thành phố thuộc loại lớn nhất ở Châu Á và trải nghiệm về thiên nhiên của một điểm đến sinh thái với những giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học được quốc tế công nhận. Điểm đến bình yên và hạnh phúc với những dịch vụ vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế vừa mang tính khác biệt trong một môi trường trong lành, an ninh và an toàn được đảm bảo, mang đến cho du khách cảm giác tự do, được sống hòa mình trong thiên nhiên để tận hưởng những giá trị cao nhất trong một chuyến đi.

Và Điểm đến du lịch xanh và thông minh: phát triển du lịch trên nguyên tắc du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ tương tác qua các ứng dụng thông minh lấy con người là trung tâm.

Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên, TP.HCM đưa ra 3 kịch bản phát triển du lịch Thành phố dựa trên luận chứng dự báo các phương án phát triển du lịch TP.HCM thời kỳ 2023-2030, trong đó, Kịch bản 1: phát triển thấp; Kịch bản 2: phát triển nhanh và bền vững; và Kịch bản 3: phát triển bứt phá.

Theo 3 kịch bản phát triển du lịch này, các biểu đồ tổng hợp dự báo các chỉ tiêu tăng trưởng du lịch TP.HCM đến 2025 và 2030 như sau:

Số lượng khách du lịch nội địa theo 3 kịch bản, giai đoạn 2020-2030 [triệu khách]

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030 - Ảnh 2.

Số lượng khách du lịch quốc tế theo 3 kịch bản, giai đoạn 2020-2030 [triệu khách]

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030 - Ảnh 3.

Tổng giá trị đóng góp vào GRDP của ngành du lịch theo 3 kịch bản, giai đoạn 2020-2030 [nghìn tỷ đồng]

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030 - Ảnh 4.

Tỷ lệ đóng góp vào GRDP của ngành du lịch theo 3 kịch bản, giai đoạn 2020-2030

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030 - Ảnh 5.

Đề án cũng đưa ra các định hướng phát triển về: Khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Định hướng phát triển thị trường khách du lịch; Định hướng phát triển thương hiệu; Định hướng xúc tiến, quảng bá du lịch; Định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch; Định hướng đầu tư phát triển ngành du lịch; Định hướng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số điểm đến du lịch; Định hướng phát triển du lịch TP.HCM theo không gian.

Đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện Đề án như: Giải pháp về nhận thức, về cơ chế chính sách, tổ chức và quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết phát triển du lịch.

Đề án đặt ra kế hoạch hành động theo giai đoạn, với các nội dung thực hiện cụ thể cho giai đoạn từ 2024-2026 và giai đoạn 2026-2030, cùng các nhiệm vụ về: tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch, thị trường, phát triển thương hiệu, xúc tiến quảng bá du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển du lịch, ứng dụng khoa học và chuyển đổi số, phát triển du lịch theo không gian, xây dựng môi trường du lịch.

Đề án mang đến cái nhìn tổng thể về du lịch TP.HCM, từ những phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để từ đó rút ra một số định hướng chính nhằm tận dụng tối đa lợi thế để tạo ra cơ hội, khắc phục điểm yếu để phát huy thế mạnh của du lịch Thành phố trong những năm tới đây, nhất là giai đoạn 2025-2030.

Khánh Vân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×