Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng cục Du lịch tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

30/12/2015 | 18:55

Ngày 30.12.2015, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác du lịch năm 2015, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 tại 03 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2015, du lịch Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn tiếp nối từ cuối năm 2014 trước những biến động của bối cảnh quốc tế chưa có tiền lệ trong nhiều năm gần đây. Những biến động của tình hình thế giới, sự cạnh tranh gay gắt để thu hút khách du lịch quốc tế đã trực tiếp tác động làm sụt giảm lượng khách quốc tế trong suốt chuỗi thời gian 13 tháng (từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 7 năm 2015).

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức đó, ngành Du lịch nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch. Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08.12.2014 của Chính phủ và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02.7.2015, các Nghị quyết khác của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp vĩ mô, tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo ngành Du lịch tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát huy nội lực, chủ động, đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để phục hồi và phát triển. Lượng khách quốc tế đã phục hồi và tăng trưởng so với năm 2014, khách du lịch nội địa tăng trưởng ấn tượng, tổng thu từ khách du lịch đạt cao nhất từ trước đến nay thể hiện chất lượng và hiệu quả dịch vụ du lịch được nâng cao. Nhiều sự kiện du lịch với quy mô lớn nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch được tổ chức.

Nhận thức của các địa phương về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội được nâng cao và chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về du lịch nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch và góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.


Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội

Quy mô, tính chất của du lịch Việt Nam trên nhiều phương diện từng bước được mở rộng, nâng cao về chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa. Việc huy động vốn đầu tư, nguồn lực của các doanh nghiệp lớn được thực hiện hiệu quả. Sự tăng cường phối hợp, liên kết thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được ngành Du lịch triển khai từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Các Bộ, ngành đã tăng cường chỉ đạo các hoạt động phối hợp liên ngành để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch; kết cấu hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không đã được quan tâm, đầu tư và cải thiện đáng kể; liên kết phát triển du lịch của các địa phương đã hình thành, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, có thương hiệu và tạo giá trị gia tăng cao.

Nhiều khu du lịch, resort, khách sạn với quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế được hoàn thành đưa vào phục vụ đã góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực. Các doanh nghiệp du lịch ngày càng khẳng định vai trò đóng góp quan trọng trong việc hình thành những động lực, thúc đẩy sự tăng trưởng, vượt qua khó khăn thách thức. Lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp cũng ngày càng được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp. Hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng được các địa phương quan tâm trên cả cấp độ liên vùng, liên ngành, trong đó các địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm ngày càng có vai trò quan trọng.


Toàn cảnh Hội nghị tại 03 điểm cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2015, ngành Du lịch cũng gặp một số khó khăn, hạn chế: Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa được cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực phát triển của đất nước còn hạn chế, nhận thức xã hội về vai trò của du lịch còn chưa đầy đủ, liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp dựa trên các lợi thế so sánh.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08.12.2014 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02.7.2015 chưa được triển khai quyết liệt, mức độ thực hiện chưa đồng đều, ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được thể chế hóa thành các chính sách cụ thể và tạo nên những chuyển biến lớn như mong muốn; công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn tại một số địa bàn trọng điểm chậm được cải thiện rõ rệt, tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nguồn lực còn hạn chế, bị phân tán. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thực hiện theo kế hoạch ngắn hạn, dàn trải, phối hợp công-tư chưa tốt. Công tác xây dựng đề án, quy hoạch định hướng, đề xuất chính sách phát triển mới còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa có nhiều tư duy đột phá chiến lược.

Sản phẩm du lịch chưa tạo ra nhiều đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Tại một số địa phương, doanh nghiệp có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế.

Một số thành tựu mới về điều kiện hạ tầng phát triển như các hệ thống đường cao tốc mới được khánh thành, bên cạnh các lợi ích to lớn để phát triển kinh tế, xã hội các địa phương trên tuyến đường đã tạo nên sức ép đối với ngành du lịch khi lượng khách tăng đột biến, dịch vụ du lịch không đáp ứng kịp tạo nên tình trạng quá tải tại các điểm đến, kinh doanh lộn xộn, chất lượng dịch vụ xuống cấp.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, báo cáo đã đưa ra một số mục tiêu: Du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó khách có sử dụng lưu trú đạt 31 triệu) tổng thu từ khách du lịch đạt 370 nghìn tỷ đồng; triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch và hoàn thành đề án “Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực du lịch”; tiếp tục triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020, tập trung vào các hoạt động E-marketing…

Tại Hội nghị, đã có 08 ý kiến phát biểu xung quanh việc chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý và thu hút khách du lịch; đồng thời các đại biểu kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới, ngành Du lịch cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các Ban, Bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra; có cơ chế phát huy vai trò của địa phương, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lặp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, thống kê du lịch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Du lịch đã đạt được trong năm 2015, những kết quả này đã đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển đưa du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong đó tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8.12.2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Cải thiện cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua phát huy nguồn lực các doanh nghiệp, tạo sức hút thông qua các trọng điểm du lịch, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×