Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch

09/06/2023 | 16:46

Tại hội thảo, UNWTO đã giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn quản lý du lịch bền vững thông qua du lịch” và một số trường hợp thành công của điểm đến Nhật Bản.

Sáng ngày 8/6, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO (UNWTO RSOAP) tổ chức Hội thảo về Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch tại Ninh Bình.

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch - Ảnh 1.

Ông Katsuhisa Ishizaki - Phó Giám đốc UNWTO RSOAP phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Katsuhisa Ishizaki - Phó Giám đốc UNWTO RSOAP chia sẻ, gần đây, “du lịch bền vững” là cụm từ thông dụng và trở thành một chủ đề thịnh hành. Nhưng theo ông Katsuhisa Ishizaki, không phải tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch đều thực hiện đúng cách tiếp cận cần thiết và đi theo con đường đúng đắn để đạt được “du lịch bền vững”. Thay vào đó, nhiều điểm đến dường như gặp khó khăn trong việc quản lý và phát triển du lịch.

Do đó, để tìm sự cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương và môi trường, UNWTO RSOAP đã phát triển Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” vào năm 2022 với Viện Nghiên cứu Du lịch và Giao thông Nhật Bản và bắt đầu áp dụng các phương pháp trong sổ tay cho một số địa phương, các thành phố ở Nhật Bản. Trong năm nay, UNWTO RSOAP sẽ tiếp tục xây dựng và chỉnh sửa Sổ tay để phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch - Ảnh 2.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) là một đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam, Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNWTO cũng đã hợp tác với Tổng cục Du lịch tổ chức thành công một Hội thảo tương tự tại Bình Thuận vào đầu năm nay. Phó Tổng cục trưởng vui mừng khi UNWTO đã tiếp tục tổ chức Hội thảo tại Ninh Bình, một điểm đến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đặc biệt vào thời điểm mùa lễ hội đẹp nhất trong năm.

Sau hai năm chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, từ đó đến nay ghi nhận sự phục hồi đáng kể về số lượng khách quốc tế và đặc biệt lượng khách nội địa đã vượt mức trước đại dịch. Bên cạnh khó khăn từ sự cạnh tranh gắt gao hơn của các điểm đến khác, du lịch Việt Nam còn đối mặt với những thách thức, yêu cầu đổi mới khi nhiều xu hướng nổi lên sau COVID-19. Có thể kể đến nhu cầu cao hơn của khách dành cho du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và phát triển du lịch… Những thay đổi này đòi hỏi các điểm đến và doanh nghiệp du lịch cần nắm bắt hiệu quả xu hướng để kịp thời nghiên cứu hình thành và khai thác các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, phát triển du lịch mang lại hiệu quả kinh tế đồng thời vẫn đảm bảo sự thân thiện, bền vững cho môi trường.

Nhận thấy du lịch bền vững và có trách nhiệm trở thành một xu hướng sau đại dịch, Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO đã có sáng kiến tổ chức “Hội thảo về Quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch” tại Việt Nam trong năm 2023. Ninh Bình với những thế mạnh về giá trị văn hóa - di sản đa dạng và phong phú, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt có ngành du lịch được quan tâm đầu tư và phát triển nhanh là một điểm đến có nhiều khía cạnh để thảo luận, phân tích các cơ hội và thách thức đối với ngành du lịch, từ đó đề xuất giải pháp để phát triển du lịch thực sự trở thành một động lực phát triển bền vững cho Ninh Bình.

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch - Ảnh 3.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh phát biểu chào mừng

Phó Tổng cục trưởng khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, cùng triển khai nhiều hoạt động hợp tác về xây dựng chính sách, xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số, phát triển du lịch xanh. Hướng đến mục tiêu tăng trưởng khách và thu hút đầu tư du lịch cho Ninh Bình, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử - văn hóa.

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch - Ảnh 4.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, UNWTO đã giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn quản lý du lịch bền vững thông qua du lịch” và một số trường hợp thành công của điểm đến Nhật Bản. Sổ tay là tài liệu ngắn gọn nhưng rất hữu ích, được xây dựng phù hợp với nhu cầu của các điểm đến trong tình hình mới và được áp dụng thành công tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến và chia sẻ từ các các cơ quan quản lý địa phương, Ban Quản lý các điểm du lịch, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, khách sạn về tình hình phát triển du lịch của Ninh Bình, những thách thức đặt ra trong thời gian tới và đề xuất giải pháp để du lịch Ninh Bình phục hồi và phát triển theo hướng bền vững.

Tổng cục Du lịch hỗ trợ Ninh Bình quản trị điểm đến bền vững thông qua du lịch - Ảnh 5.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Sổ tay “Hướng dẫn thực hành về quản lý bền vững thông qua phát triển du lịch” chỉ ra các bước cần thiết để hiện thực hóa quản lý khu vực bền vững, kèm theo những câu chuyện của các trường hợp điển hình tiên phong; đồng thời giới thiệu một phương thức tiếp cận thực tế đển quản lý khu vực bền vững tận dụng tiềm năng du lịch dựa trên các điều kiện thực tế và khách quan, hướng tới duy trì và thúc đẩy chất lượng cuộc sống của người dân.

Sổ tay được thiết kế cho các điểm đến ở cấp tỉnh, quận/huyện và xã/phường có mong muốn thúc đẩy phương thức phát triển du lịch bền vững hơn thông qua sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương với các đối tượng sử dụng: chính quyền địa phương, dân cư địa phương, hiệp hội du lịch và các đơn vị tư nhân.

Theo Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Hợp tác quốc tế, TCDL

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×