Tọa đàm về tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
19/04/2019 | 14:51Sáng 19/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng Cục du lịch Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm Tăng cường thu hút khách quốc tế. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đã tới dự và chủ trì buổi tọa đàm này.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm
Tọa đàm Tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động kinh doanh lữ hành về những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động, kinh doanh…Từ đó đề xuất các ý kiến đóng góp để làm sao tiếp tục thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2019, khách du lịch từ thị trường Trung Quốc đến Việt Nam giảm tới 5,6% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, nhiều thị trường khác lại có mức tăng mạnh mẽ như Thái Lan tăng 49,3%; Philipines tăng 24,8%; Hàn Quốc tăng 24,1%; Indonesia tăng 17,2%; Na Uy tăng 12,9%... Sự sụt giảm khá mạnh lượng khách từ quốc gia đông dân nhất thế giới này khiến tốc độ tăng trưởng khách du lịch trong 3 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 7%.
Tại buổi tọa đàm này, đại diện các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách du lịch đông dân nhất thế giới này cho rằng, sự sụt giảm của khách du lịch từ thị trường này thời gian qua chủ yếu xảy ra ở dòng khách đi bằng charter flight (dòng khách cao cấp với điểm đến chủ yếu là nghỉ dưỡng tắm biển), đối với khách đường bộ và khách máy bay truyền thống có sự biến động không đáng kể.
Đại diện Viettravel chia sẻ rằng, 3 tháng đầu năm nay, việc đón khách Trung Quốc qua đường hàng không của đơn vị đã sụt giảm, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, bà Uyên Phương đại diện Saigontourist cũng cho hay việc lượng khách du lịch thị từ trường này đang sụt giảm là tình trạng chung của nhiều đơn vị lữ hành. Điều này đã được ghi nhận từ thời điểm cuối năm 2018 và dự báo sẽ giảm trong quý 1, quý 2 năm 2019.
Đối với Saigontourist chuyên đón khách du lịch tàu biển. Nếu như trước đây các tàu khách du lịch có lịch trình đến thường xuyên và chủ yếu là Việt Nam thì nay một bộ phận không nhỏ đã chuyển hướng tới Philippines.
Các doanh nghiệp cũng đã chỉ ra một số những nguyên nhân dẫn đến việc giảm lượng khách từ thị trường này. Có một số nguyên nhân, trong đó có sự ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... Cùng với đó là chúng ta chưa có nhiều sản phẩm du lịch để có thể níu giữ du khách ở lại, hay chính sách ưu đãi dành cho du khách, các doanh nghiệp lữ hành còn khá mỏng.
Cùng với việc chia sẻ những khó khăn và sự sụt giảm lượng khách từ thị trường lớn này, nhiều doanh nghiệp cũng đã cho biết về những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị mình đang gặp phải trong quá trình kinh doanh như các thủ tục hành chính tại cửa khẩu, thủ tục giao nhận hàng hóa tại sân bay, chính sách ưu đãi của các hãng hàng không…
Sau khi lắng nghe các ý kiến của một số doanh nghiệp lữ hành về tình trạng sụt giảm của khách du lịch Trung Quốc diễn ra trong quý 1/ 2019, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng đặt vấn đề rằng, trong khi Việt Nam giảm, nhưng các nước khác trong ASEAN lại tăng, khách Trung Quốc vẫn tới Singpore, Malaysia, Thái Lan rất đông. Đây là điều mà các doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ quan quản lý của ngành cần phải xem xét, nghiên cứu.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành đã đóng góp tại buổi tọa đàm này. Đây là những ý kiến, đóng góp hết sức quý giá và thiết thực bởi xuất phát từ hoạt động triển khai thực tiễn.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho biết, tới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ cùng với Tổng cục làm việc cùng với các cơ quan, du lịch của Trung Quốc để nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin…
Cuối cùng, Thứ Trưởng Lê Quang Tùng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành cần thường xuyên chia sẻ và trao đổi thẳng thắn với Tổng cục Du lịch về những vấn đề khó khăn đang gặp phải. Thứ trưởng gợi ý rằng việc này cần được thực hiện thường xuyên hàng tháng, hàng quý… để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công việc, nhằm hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.