Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc

25/05/2016 | 16:47

Nằm trong chương trình khảo sát sản phẩm du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, sáng ngày 20.5.2016, tại TP. Lào Cai, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc.

Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Bộ VHTTDL; đại diện cơ quan quản lý du lịch các tỉnh Tây Bắc và 70 doanh nghiệp du lịch lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
 
Các đại biểu chủ trì Tọa đàm
Tây Bắc là một vùng biên cương Tổ quốc với hơn 2500km đường biên giới Việt-Trung và Việt-Lào, luôn gắn với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Thượng (Lào Cai), cột cờ Lũng Pô (Lào Cai)... các khu di tích lịch sử cách mạng Pác Bó (Cao Bằng) Tân Trào, Bắc Mê (Thái Nguyên, Tuyên Quang), quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Đồng thời, Vùng Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị và sức hấp dẫn du lịch đặc biệt; là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo như: Ruộng bậc thang di thắng quốc gia Sapa; Mù Cang Chải, đèo Pha Đin, Ô Quí Hồ, Khau Phạ… Các vườn quốc gia có giá trị về đa dạng sinh học cao như: Hoàng Liên Sơn, Ba Bể, Xuân Sơn, Pù Mát... Nhiều nguồn khoáng nóng giá trị cho sức khỏe như: Kim Bôi, Thanh Thủy, Mỹ Lâm, Uva, Bản Bon, Bản Hốc...; có những khu nghỉ dưỡng lý tưởng: Sapa, Mộc Châu, Mẫu Sơn, Sìn Hồ... đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch vùng Tây Bắc. 

Ngoài ra, Vùng Tây Bắc có trên 32 dân tộc anh em chung sống: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Lô Lô... nơi lưu giữ một nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc. Các loại hình văn hóa được thể hiện trong phong tục tập quán, lễ hội (lễ hội Lồng Tồng, Chợ tình Khâu Vai, Tục cúng rừng, Xên Bản, Xên Mường... các điệu dân ca, dân vũ (múa sạp, múa xòe, hát then, đàn tính, múa khèn...), các làng nghề truyền thống (chạm khắc bạc, dệt thổ cẩm, rèn, dụng cụ mây tre đan nghệ thuật...).

Trong thời gian gần đây, các tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng ngày càng quan tâm tới việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch; chú trọng xây dựng cơ sở lưu trú chất lượng cao; xây dựng hạ tầng du lịch: đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Quốc lộ 6 được hoàn thiện; tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai kết nối Kunming - Hà Khẩu đang được nâng cấp… tạo nên sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu khách du lịch đến với Tây Bắc.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Ngô Hoài Chung nhận định: Trong những năm vừa qua, lượng du khách đến với 8 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang đều có mức tăng đáng kể. Riêng năm 2015, lượng khách đến toàn vùng Tây Bắc đạt trên 8,9 triệu lượt (tăng 3%), trong đó khách quốc tế 1,6 triệu lượt (tăng 6,5%). Số liệu trên cho thấy, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng trên chưa tương xứng với thế mạnh trong vùng. Một trong những nguyên nhân là do du lịch các tỉnh này chưa có nhiều những sản phẩm du lịch đặc trưng nổi trội để thu hút du khách và phát triển du lịch sâu rộng và bền vững.
 
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Đồng quan điểm với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Ngô Hoài Chung, đa số doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham gia tọa đàm cho rằng, mặc dù sức hút của du lịch Tây Bắc dành cho du khách quốc tế là rất lớn, tuy nhiên sản phẩm du lịch tại các tỉnh Tây Bắc còn manh mún, thiếu điểm nhấn. Do đó, cần quan tâm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng các tour tuyến liên kết các điểm đến, đáp ứng nhiều đối tượng du khách khác nhau, để tăng mức chi tiêu của du khách tại các điểm đến ở Tây Bắc.

Theo ông Nguyễn Quang Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Tictours (Khánh Hòa): Việc tạo điểm nhấn tại các điểm đến giữa các tỉnh như trạm dừng chân, đồ lưu niệm mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc… xây dựng sản phẩm sức hút từ “tứ đại đỉnh đèo”, hay hai điểm cực Bắc (Lũng Cú) và cực Tây (A Pa Chải), hay cột mốc Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nếu tuyến đường vào xây dựng tốt thì sẽ bùng nổ thu hút du khách trong thời gian gần.

Nâng cao chất lượng dịch vụ
Chia sẻ về những đặc điểm đưa khách quốc tế tới Tây Bắc, bà Vũ Hương Giang - Exo Travel cho biết: Hiện nay, khách du lịch quốc tế tới Tây Bắc chủ yếu là khách lẻ nên sử dụng xe nhỏ 7 nhỏ, hoặc xe gầm cao thích hợp di chuyển địa hình đồi núi. Cần đảm bảo lái xe, hướng dẫn viên được đào tạo về tuyến Tây Bắc, trang bị trên xe đảm bảo dây bảo hiểm an toàn, dịch vụ y tế… trên hành trình di chuyển cho du khách. Về cơ sở lưu trú, du khách quốc tế không yêu cầu tiêu chuẩn 5 sao nhưng cần đảm bảo sạch sẽ bởi họ rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có những bản đồ và biển hiệu chỉ đường cụ thể hơn và bằng tiếng nước ngoài cho du khách quốc tế khám phá điểm đến.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp khác rất quan tâm tới vấn đề giao thông, chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú tại điểm đến cũng như vấn đề bình ổn giá, hay tạo điều kiện về chính sách cấp phép cho du khách quốc tế khi du lịch các tỉnh Tây Bắc ở những vùng biên giới... Theo ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phuc Group, các doanh nghiệp lữ hành quan tâm đến vấn đề bình ổn giá dịch vụ và cơ sở lưu trú, tránh tình trạng vào mùa cao điểm thì tăng giá do hết phòng. Liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh, cần có những hướng dẫn cụ thể cho những điểm đến cấm hoặc hạn chế vì lý do an ninh - quốc phòng, nếu đã hạn chế thì không nên đưa vào quảng bá du lịch, điều đó sẽ làm khó cho doanh nghiệp khi đưa khách đến.

Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp lữ hành quốc tế quan tâm đó là nét văn hóa của đồng bào dân tộc tại các tỉnh Tây Bắc hiện đang mai một dần, cần có những giải pháp quy hoạch và bảo tồn để tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù giữ vững nét văn hóa dân tộc bản địa và nét hoang sơ tại các bản làng có sức thu hút đối với khách du lịch quốc tế. Theo bà Bùi Thị Nhàn - Giám đốc Ecosea Travel, nên tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh Tây Bắc một cách bài bản có hệ thống, đảm bảo các homestay đạt chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, ví dụ điểm du lịch cộng đồng Hua Tạt (Sơn La)… 

Để thúc đẩy sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành, các cấp chính quyền trung ương và địa phương, có chính sách thu hút đầu tư; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp du lịch thu hút du khách, tăng cường khả năng xúc tiến sản phẩm du lịch của doanh nghiệp cũng như sự tham gia trực tiếp của người dân vào du lịch.

 CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×