Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tọa đàm khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”

05/07/2017 | 17:31

Sáng 5-7, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”.

 

Tới dự có các đồng chí: Lê Đức Anh, Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên chủ tịch nước; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn  hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương và tỉnh Thừa-Thiên Huế; đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Các nhân chứng, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia chương trình giao lưu. 

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Là người luôn thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã học được ở Người tinh thần đạo đức cách mạng cao cả, hết lòng phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc; ở lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lăn lộn với phong trào yêu nước, sự nghiệp kiến thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; ở tấm gương mẫu mực của một nhà chiến lược tầm cỡ của cách mạng Việt Nam; luôn “cần, kiệm, liêm, chính”, tác phong và nếp sống giản dị, đời tư trong sáng; ở việc ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham ô, lãng phí do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi theo. Cho đến nay, chưa thống kê được chính xác bao nhiêu lần đồng chí Nguyễn Chí Thanh được gặp Bác để tham gia các cuộc họp Bộ Chính trị, để báo cáo công việc, trao đổi xin ý kiến chỉ thị, đến thăm trong các dịp lễ, Tết... Thông qua việc tập hợp các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng lời kể của các nhân chứng lịch sử, buổi tọa đàm là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn về tình cảm, sự quan tâm, tin cậy của Người dành cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Qua đó, bổ sung vào các công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.

 

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các đại biểu tham quan trưng bày sách, báo chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”. 

Mở đầu các ý kiến tham luận, bài tham luận của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được trình bày tại buổi tọa đàm đã khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể từ buổi ban đầu đến khi ở những cương vị lãnh đạo cao nhất, lúc nào đồng chí cũng xông xáo thâm nhập vào cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ, lăn lộn với phong trào, tìm ra quy luật phát triển tạo ra bước ngoặt mới cho cách mạng, tự tôi rèn mình trong đấu tranh cách mạng. Trọn đời mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ, là một trong những cán bộ lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Đồng chí là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Các ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm cũng như hơn 30 bài tham luận gửi tới tọa đàm với nhiều nội dung phong phú, hàm lượng khoa học cao đã góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quân đội.

Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà cách mạng tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự, chính trị xuất sắc của dân tộc ta. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng luôn gắn liền với thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành của QĐND Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những cống hiến to lớn của Đại tướng đã góp phần quan trọng vào xây dựng QĐND Việt Nam ngày càng hùng mạnh. Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội ta, đồng chí đã tổ chức, chỉ đạo xây dựng, phát triển Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đặc biệt đã có nhiều cống hiến quan trọng trong việc phát triển lý luận xây dựng quân đội về chính trị; trong xây dựng phong trào hợp tác xã nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu gương trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; có phong cách làm việc khoa học, quần chúng, gần gũi với nhân dân; lối sống trong sạch, giản dị, yêu thương đồng chí, đồng đội.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, kết quả của buổi tọa đàm là tài liệu quý để nghiên cứu, tuyên truyền học tập, có giá trị lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cần phải tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức sáng ngời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Quân đội ta cần tích cực nghiên cứu, vận dụng kết quả nghiên cứu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào hoạt động giảng dạy, huấn luyện; xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm đã diễn ra chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu lịch sử, góp phần làm sáng rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang cũng như những kỷ niệm, tình cảm sâu sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Tại buổi tọa đàm, đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trao tặng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch một số hiện vật, tư liệu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh./.

(Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×