Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổ chức lễ hội phải đúng quy định, mục đích và bảo tồn phát huy giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam

06/07/2010 | 01:32

(VP)- Ngày 02/7/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 2277/TB-BVHTTDL thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị đánh giá công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2010.

Để hoạt động lễ hội ngày càng được sự quan tâm và tham gia của nhân dân, góp phần phát huy giá trị, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, việc tổ chức lễ hội phải đúng quy định, mục đích, vừa bảo tồn giá trị nguyên gốc, vừa bảo tồn phát huy giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hoạt động lễ hội phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp về ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa của Lễ hội, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng dân cư với nhiều biện pháp, cách thức, nội dung sinh động và thiết thực, phù hợp, nhằm tổ chức lễ hội theo hướng tiến bộ, văn minh, khoa học và tiết kiệm, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần tích cực bảo vệ di sản văn hoá dân tộc.  

Tiền công đức, tiền “giọt dầu”... cần được quản lý bằng những quy định cụ thể; hiện tượng đốt đồ mã, “mua thần bán thánh”, những biến tướng khác của lễ hội cần được cảnh báo sớm và vận động nhân dân ngăn chặn kịp thời. Đề nghị các địa phương nghiên cứu mô hình quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn tiền được huy động đúng quy định, mục đích và hiệu quả.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ tới từng đơn vị, cụ thể:

Giao Vụ Pháp chế: Phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản pháp lý về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.  

Giao Cục Văn hóa cơ sở: Phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật và các địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản, thống kê, nghiên cứu, quy hoạch lễ hội, đề ra biện pháp quản lý và điều hành tốt hơn, chú trọng hướng dẫn loại hình lễ hội văn hoá, thể thao, du lịch. Dự báo xu hướng phát triển của các loại hình lễ hội để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với những di tích có gắn với lễ hội lớn cần tiến hành biện pháp quy hoạch tổng thể, bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá kết hợp với đầu tư, tôn tạo, làm cho các di tích này trở thành điểm đến ấn tượng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và Quốc gia. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các văn bản luật, pháp lệnh, văn bản dưới luật về hoạt động lễ hội và nâng cao trình độ tổ chức quản lý điều hành tổ chức lễ hội cho đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở đặc biệt là cán bộ trực tiếp quản lý di tích và tổ chức lễ hội.

Giao Thanh tra Bộ: Chỉ đạo lực lượng thanh tra các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, có hình thức xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hoá, xâm hại di tích và ảnh hưởng môi trường. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội được cộng đồng tôn vinh, ghi nhận.  

Giao các cơ quan chức năng của Bộ: Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Vụ Văn hóa dân tộc  phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tiếp thu ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như: Hội Di sản văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam … tổ chức Hội thảo khoa học, điều tra dư luận xã hội, đánh giá thưc trạng lễ hội hiện nay, trên cơ sở đó, định hướng hoạt động tổ chức lễ hội diễn ra đúng quy định, mục đích, ý nghĩa, phù hợp với yêu cầu thực tế; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm về tổ chức lễ hội để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Giao Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc: Hướng dẫn các địa phương tổ chức các Fetival văn hóa du lịch, các lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch, ngày hội văn hóa các dân tộc vùng, miền đảm bảo quy mô, tần suất từ 4-5 năm /1 lần, tránh phô trương, lãng phí, hiệu quả xã hội thấp.

Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong các hoạt động lễ hội trên tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước. Kinh phí thu chi trong lễ hội thực hiện theo quy định pháp luật về tài chính.

Đồng thời đổi mới nhận thức của cấp uỷ Đảng và Chính quyền về quản lý, tổ chức, điều hành chương trình hoạt động lễ hội; Nâng cao vai trò của Ban Tổ chức lễ hội, thống nhất chủ thể quản lý, phân cấp, phân quyền, phân công trách nhiệm cụ thể, thống nhất thực hiện để quản lý và tổ chức lễ hội đạt hiệu quả. Cơ chế và phương thức quản lý lễ hội phải phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm từng lễ hội ở từng địa phương, đảm bảo nguyên tắc nhà nước chỉ đạo, quản lý và điều hành, nhân dân tổ chức thực hiện; kiện toàn các Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội phù hợp với yêu cầu chuyên môn và đặc điểm lễ hội ở mỗi địa phương. Cần rút kinh nghiệm tổ chức ngay sau khi kết thúc lễ hội.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×