Tổ chức các hoạt động tháng 6 "Ngày hè của em" tại "Ngôi nhà chung"
28/05/2019 | 15:10"Ngày hè của em" – Là chủ đề hoạt động của tháng 6 được tổ chức từ ngày 01/6 - 30/6/2019, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đây chuỗi các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa dành cho tuổi thơ chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động thân thiện với môi trường, trải nghiệm, góp phần tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho giới trẻ tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt các hoạt động phong phú, gần gũi với môi trường tự nhiên, giao lưu, trải nghiệm hướng tới giới trẻ, xuất phát từ giới trẻ bằng các việc làm thiết thực, cụ thể góp phần hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại thư số 161/LĐCP ngày 25/4/2019 về việc chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Hoạt động tháng 6 với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng. Đồng thời, huy động thêm khoảng 10 đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế 2 ngày 29, 30/6/2019. Chương trình tháng 6 với các hoạt động gồm:
Chương trình Ngày hội thiếu nhi "Hành trình khám phá". Đây là hoạt động điểm nhấn của tháng 6, với các hoạt động: Giao lưu các trò chơi dân gian truyền thống và phát động Cuộc thi "Một hành động nhỏ với rác thải nhựa lớn"; Đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng trình diễn và hướng dẫn du khách tham gia các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc: Ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng dân tộc Cơ Tu... Đi cà kheo, đánh quay, thả diều, kéo co...
Giới thiệu các hoạt động trải nghiệm "Hành trình khám phá": Tái hiện một không gian dành cho tuổi thơ với các trò chơi dân gian và hoạt động trải nghiệm một số nghề thủ công truyền thống "Một ngày làm nghệ nhân" với các hoạt động làm chuồn chuồn tre, nặn tò he, nặn bong bóng thành những đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, trải nghiệm làm nón… ; Không gian tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống: Đánh chắt chơi truyền, ô ăn quan, nhảy dây, kéo co,... ; Hướng dẫn các trò chơi dân gian tập thể, các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường sinh thái, văn hóa dân tộc; truyền dạy, giới thiệu về nhạc cụ dân tộc; Giới thiệu ẩm thực tại đồi thông A2 đặc biệt là những món quà ăn vặt dành cho đối tượng khách là các bạn trẻ, thiếu nhi, khách gia đình…
Chương trình trải nghiệm "Ngày hè của em": Trưng bày giới thiệu các hoạt động trẻ thơ tại Làng với những hình ảnh của các hoạt động ấn tượng mùa hè năm 2016, 2017, 2018: Cuộc thi viết chữ đẹp "Nét chữ, nết người"; Cuộc thi vẽ tranh "Em yêu làng em" và một số trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều…
Trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống, được trải nghiệm và học thử các nhạc cụ đó đặc biệt là một số các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc như: Ném pao, đánh cù của dân tộc Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng dân tộc Cơ Tu... Đi cà kheo, thả diều... của các dân tộc.
Tổ chức không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách; Hướng dẫn các trò chơi dân gian tập thể, các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường sinh thái, văn hóa dân tộc; Tái chế các vỏ chai nhựa thành các vật dụng hữu ích, trang trí…
Bên cạnh đó, tái hiện Tục đi sim của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế: Đi sim là một phong tục tập quán đã có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Tà Ôi. Đó là khi mùa sim thành hoa thành quả là thời điểm các chàng trai cô gái đợi chờ, họ hẹn hò nhau bên cạnh những con suối. Tái hiện tục đi sim với việc từ khi đôi trai gái ngầm ý hẹn ước, đến thời gian và những công tác của chàng trai và cô gái chuẩn bị cho bố mẹ và gia đình để chuẩn bị đi sim đến khi gặp nhau đối đáp trao nhau ân tình qua các làn điệu hát đối đáp vô cùng đặc sắc.
Chương trình âm nhạc "Miền dấu yêu" của đồng bào các dân tộc tại Làng hát về quê hương, gia đình: Giao lưu văn nghệ với các tiết mục dân ca, dân vũ (Các ca khúc, điệu múa về quê hương, đất nước, tình cảm gắn bó gia đình, nghĩa tình buôn làng) các dân tộc Ê Đê, Tà Ôi, Xơ Đăng là điểm nhấn.
Chương trình âm nhạc "Từ trong câu ca" của đồng bào dân tộc huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế: Giao lưu văn nghệ với các tiết mục dân ca, dân vũ về các ca khúc, điệu múa về tình yêu quê hương, xứ sở qua đó giới thiệu nét đẹp của mảnh đất và con người.
Ngoài ra, còn có các hoạt động hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.