Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tiếp tục triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn 2011-2015

25/02/2011 | 08:00

(VP) – Chiều 24/02, tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt-Xô, Hà Nội, Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã hoàn thành về cơ bản mục đích, yêu cầu và chương trình đề ra. Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào đã có kết luận tại Hội nghị.

Hội nghị đã nghe dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nghe phát biểu của các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; Đã xem 27 báo cáo tham luận của đại diện Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH của 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện cho 3 vùng, miền cả nước, trong đó nghe 11 báo cáo được trình bày tại Hội nghị với 31 lượt kiến nghị.

Thay mặt Đoàn Chủ trì Hội nghị, đồng chí Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ Phong trào kết luận một số nội dung chủ yếu:  

Hội nghị nhất trí cao về đánh giá kết quả, thành tựu qua 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nêu trong dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương trình bày tại Hội nghị: Phong trào TDĐKXDĐSVH thực sự là là một phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quá trình thực hiện phong trào, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống xã hội được nâng lên; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được tăng cường. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tích cực vào: Xây dựng, hình thành nhân cách con người Việt Nam theo 5 đức tính nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); xây dựng cộng đồng gia đình và khu dân cư phát triển bền vững; xây dựng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, có nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố hệ thống thiết chế và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực hiện và phát huy các yếu tố văn hóa, nhân tố con người trở thành nguồn lực nội sinh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn 2000 - 2010.

Thực tiễn 10 năm qua đã khẳng định huy động được mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia phong trào là điều kiện tiên quyết, nhân tố quyết định kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH; khẳng định các nội dung chủ yếu, các phong trào cụ thể do Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra đã thực sự đi vào cuộc sống; phù hợp với yêu cầu, mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa; phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân;.

Hội nghị nghiêm khắc thừa nhận những thiếu sót, nhược điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện phong trào ở các cấp, là nguyên nhân chủ quan chủ yếu dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong Phong trào TDĐKXDĐSVH. Do nhận thức về vai trò, vị trí và nội dung thiết thực của Phong trào TDĐKXDĐSVH ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, nên thiếu quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào, hoặc triển khai qua loa, hình thức dẫn đến phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền. Việc chạy theo số lượng, thành tích trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa; buông lỏng công tác quản lý, tuyên truyền vận động và chưa phát huy được vai trò tự quản cộng đồng trong việc giữ vững danh hiệu văn hóa, dẫn đến chất lượng phong trào ở nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng, hiệu quả; danh hiệu văn hóa trở thành hình thức, gây phản cảm trong dư luận.

Hội nghị ghi nhận những phản ánh cụ thể, xác đáng của Ban Chỉ đạo phong trào ở một số địa phương về những vướng mắc, bất cập đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, nhưng chưa được giải quyết kịp thời, thậm chí còn để kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, đó là: Nội dung, tiêu chí của phong trào rộng lớn, dàn trải ở tất cả các lĩnh vực của đời sống; trong khi đó chưa có một cơ chế chỉ đạo, quản lý đồng bộ, hiệu lực để thực hiện. Phong trào TDĐKXDĐSVH bao gồm nhiều phong trào, cuộc vận động hiện có, do nhiều cơ quan, đoàn thể chủ trì; trong quá trình triển khai thực hiện phong trào còn thiếu sự điều hành tập trung, thống nhất, thiếu sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả; dẫn đến tình trạng triển khai thực hiện phong trào vừa trùng chéo, vừa phân tán; làm cho sức mạnh tổng hợp của Phong trào TDĐKXDĐSVH chưa được phát huy đầy đủ. Một số cuộc vận động, phong trào có nội dung giống nhau, được triển khai thực hiện cùng một địa bàn, với đối tượng người dân, dẫn đến phân tán về nguồn lực và khó khăn trong việc thực hiện, bình xét thi đua ở cơ sở.

Hội nghị cơ bản nhất trí về mục tiêu, nhiệm vụ triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015 nêu trong dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tập trung vào chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào đều khắp ở các khu vực, vùng miền; đặc biệt là khu vực nông thôn ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nâng cao chất lượng Phong trào TDĐKXDĐSVH thông qua các phong trào, cuộc vận động cụ thể, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp chung của Phong trào TDĐKXDĐSVH, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về xây dựng con người văn hóa, nếp sống văn minh, môi trường văn hóa và nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho nhân dân ở cơ sở.

Hội nghị ghi nhận những kiến nghị của Ban Chỉ đạo phong trào các địa phương về bổ sung, sửa đổi một số nội dung của các phong trào cụ thể, bao gồm: Cụ thể hóa tiêu chuẩn “Người tốt, việc tốt” trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa và phương thức triển khai cuộc vận động xây dựng “Người tốt, việc tốt” trong Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với cuộc vận động xây dựng con người ở các lĩnh vực. Bổ sung nội dung, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; đồng thời sửa đổi các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa phù hợp với điều kiện, đặc điểm ở các khu vực, vùng miền. Cụ thể hóa nội dung, tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn hóa đạo đức nghề nghiệp… trong tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Về xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; đề nghị các cơ quan Ban Chỉ đạo Trung ương rà soát, chọn lọc những phong trào cụ thể có tính lâu dài, làm rõ tên gọi, nội dung, tiêu chí, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (nếu có) để chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện trong cả nước.

Thống nhất danh hiệu thi đua, nội dung, tiêu chí, hình thức ghi nhận, cơ chế phối hợp triển khai thực hiện các danh hiệu thi đua trong Phong trào TDĐKXDĐSVH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được hầu hết các địa phương quan tâm thảo luận và kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương một số nhóm vấn đề như: Rà soát lại nội dung, tiêu chuẩn, tiêu chí trong các danh hiệu thi đua; xác định chuẩn văn hóa chung, chuẩn văn hóa trong các danh hiệu thi đua cụ thể, tạo cơ chế để các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, các địa phương cụ thể hóa sát hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa của các lĩnh vực, khu vực, vùng miền.

Thống nhất một số danh hiệu thi đua có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn triển khai thực hiện, như danh hiệu: “Gia đình văn hóa sức khỏe”, “Gia đình văn hóa thể thao”, “Gia đình phụ nữ hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc”… vào một Danh hiệu chung là “Gia đình văn hóa”: thống nhất Danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, “Làng văn hóa sức khỏe”, “Làng vì trẻ em”, “Làng không có tệ nạn xã hội” vào Danh hiệu “Làng văn hóa”; thống nhất đưa phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, để thống nhất mục tiêu, nội dung, tiêu chí, nguồn lực thực hiện và đầu mối quản lý, tổ chức thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn khu dân cư.

Nghiên cứu các danh hiệu thi đua hiện có chưa được Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận nhưng một số địa phương đang thực hiện (huyện văn hóa, dòng họ văn hóa), bổ sung một số danh hiệu thi đua mới và hình thức ghi nhận cao hơn đối với các gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa giữ vững và phát huy danh hiệu thi đua nhiều năm liên tục.

Hội nghị nhất trí 5 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH do Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra. Đề nghị cụ thể hóa và tập trung thực hiện một số nhóm biện pháp sau: Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tăng cường nguồn lực thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH. Đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước chi khen thưởng công nhận gia đình văn hóa (được công nhận liên tục 3 năm liền) theo Nghị định 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã, thôn theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cân đối ngân sách ở cấp trên cho cấp dưới để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo các cấp theo tinh thần Thông tư Liên tịch số 31/2006/TTLT; đối với các địa phương không đủ nguồn thu ngân sách. Đề nghị bổ sung kinh phí đầu tư cho Phong trào TDĐKXDĐSVH vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm; đặc biệt là chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phong trào của Ban Chỉ đạo các cấp…

Đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Phong trào TDĐKXDĐSVH trong năm 2011, để các địa phương triển khai thực hiện. Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp và tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất mọi hoạt động Phong trào TDĐKXDĐSVH. Xây dựng, hoàn thiện các chủ trương làm rõ cơ chế, chính sách cho lĩnh vực phát triển đời sống vật chất, văn hóa cho công nhân lao động, đặc biệt là ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu  chế xuất. Tham mưu cho cấp ủy Đảng tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện phong trào, chỉ đạo tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí thực hiện phong trào, coi đây là giải pháp đột phá thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ Phong trào cho biết: “Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, chúng ta vui mừng về những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, tiếp tục khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Phong trào TDĐKXDĐSVH trong đời sống xã hội, nhất là trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Tại Hội nghị này, những nội dung nêu trong dự thảo Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hà Thị Khiết và những ý kiến phát biểu, kiến nghị của địa phương, là những tổng kết cơ bản có tính chất lý luận và thực tiễn, sẽ tiếp tục được làm sáng tỏ, cụ thể hóa thành những nội dung chỉ đạo, triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong giai đoạn tới.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH, tôi trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương phát động và quan tâm lãnh đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH. Cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH. Cảm ơn các tầng lớp nhân dân trong cả nước và biểu dương các cá nhân, gia đình, tập thể đã tích cực tham gia và nỗ lực phấn đấu thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH trong 10 năm qua”
.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×