Tích cực triển khai các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam
26/10/2022 | 15:48Sáng nay 26/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL. Trong đó, các giải pháp về chuyển đổi số của lĩnh vực Du lịch được nhiều đại biểu dành sự quan tâm, chia sẻ.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị - Hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trên toàn thế giới.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa cùng sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động trong thời đại mới.
"Đại dịch Covid-19 đã đặt ra vấn đề ngành du lịch cần có phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt với những sự cố, khủng hoảng tương tự trong tương lai" - ông Phạm Văn Thủy nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh: "Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì hoạt động. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng kết nối liên lạc trực tuyến, các công cụ tìm kiếm trên mạng internet".
Cùng với đó, nhu cầu tìm kiếm thông tin số tăng mạnh. Các doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý phải tìm cách cơ cấu lại hoạt động, chuyển hướng mạnh sang các nền tảng giao dịch trực tuyến, áp dụng các mô hình vận hành gọn nhẹ, hiệu quả, vừa để duy trì hoạt động kết nối, vừa thích ứng linh hoạt để tìm cách phục hồi.
Theo ông Phạm Văn Thủy, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Chuyển đổi số gắn kết với Tiêu chuẩn du lịch ASEA; Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số; Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
TP.HCM: Nhiều giải pháp chuyển đổi số ngành Du lịch
Có thể thấy, trong xu thế chung đó, thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp đã rất tích cực, năng động trong việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, trong đó tiêu biểu là những địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh…
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, đặt biệt là sự phát triển của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, trong những năm qua Sở đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý.
Cụ thể, đối với Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020-2030, Sở Du lịch TP.HCM đã triển khai 2 nội dung quan trọng. Thứ nhất là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch, kho dữ liệu này được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau của thành phố phục vụ cho 04 đối tượng người sử dụng là: Khách du lịch và Người dân, Doanh nghiệp hoạt động du lịch và Cơ quan quản lý du lịch.
Thứ hai là tăng cường thu hút và trải nghiệm cho du khách và người dân. Sở đã xây dựng một hệ sinh thái các giải pháp công nghệ thông tin có mối liên hệ chặt chẽ, sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu chia sẻ du lịch giúp du khách và người dân tra cứu thông tin du lịch, săn tìm đặt vé vận chuyển, chọn lựa đặt phòng lưu trú, tìm hiểu đặc sản kết hợp mua sắm sử dụng dịch vụ,…
Chia sẻ về các giải pháp, ứng dụng trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở Du lịch TP.HCM sẽ triển khai hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội (Social listening); Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch của Thành phố; Xây dựng Booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tại ảo; Triển khai Hệ thống chat bot hỗ trợ thông tin du lịch; Nâng cấp Hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID; Triển khai Dự án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC…
Hà Nội: Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét
Cùng với TP.HCM, để khai thác tối đa tiềm năng về phát triển du lịch, TP Hà Nội thời gian qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Lãnh đạo Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh. Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước du lịch mà cả các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến trên địa bàn Thành phố.
Về công tác quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.
Cụ thể như: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của Thành phố; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn); Triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách; Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến…
Về phía các doanh nghiệp du lịch, điểm đến du lịch, hiện nay các đơn vị cũng rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch. Cụ thể như: Triển khai hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin trong hoạt động quản lý, phát triển kinh doanh; Ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên không gian mạng thông qua các chương trình xúc tiến, triển lãm, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, trên các nền tảng công nghệ mới.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch Thủ đô; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số; Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các đề án lớn như: Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố, xây dựng Bản đồ số du lịch, ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch./.