Thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2017-2021
16/12/2016 | 23:30Ngày 12/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 5105/BCĐ-VPTTBCĐ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2017-2021 (sau đây gọi tắt là Phong trào).
Ảnh minh họa (nguồn: giadinhvietnam.com)
Theo báo cáo, qua 15 năm thực hiện (2000-2015), Phong trào đã thực sự đi vào đời sống, trở thành một phong trào quần chúng, phát triển ngày càng sâu rộng, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa; tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ, các cuộc vận động cụ thể trong Phong trào đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở; tạo ra những giá trị mới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được củng cố; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và từng bước phát triển...
Phong trào xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” tuy mới được triển khai, nhưng đã đi vào cuộc sống, có tính khả thi, tạo ra những mô hình phát triển văn hóa, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tổ chức thực hiện.
Để nâng cao chất lượng Phong trào trong giai đoạn 2017-2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đề xuất một số giải pháp như sau:
Trong Quý 1/2017, tổng kiểm tra, rà soát chất lượng các danh hiệu văn hóa được công nhận trên địa bàn toàn quốc; thống nhất tên gọi và các danh hiệu văn hóa; củng cố và giao trách nhiệm cho Ban vận động, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, khu dân cư tham gia đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa…
Bên cạnh đó, xây dựng thang điểm cụ thế đánh giá việc thực hiện tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa. Việc bình xét các danh hiệu văn hóa phải bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch theo trình tự từ hộ gia đình tự chấm điểm, họp tổ liên gia góp ý, đánh giá; Ban Công tác Mặt trận khu dân cư chủ trì bình xét, phối hợp với trưởng khu dân cư đề nghị Ban vận động, Ban Chỉ đạo Phong trào cấp xã kiểm tra, đề nghị xét và công nhận đối với danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Lập hồ sơ đề nghị Ban Chỉ đạo cấp huyện kiểm tra, đề nghị xét và công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới…
Danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện; Chủ tịch Công đoàn cơ sở phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, tự nguyện, tự giác của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tham gia.
Bộ VHTTDL thực hiện chức năng quản lý nhà nước xây dựng các văn bản về cơ chế chính sách và tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét và công nhận các danh hiệu văn hóa; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở làm căn cứ thực hiện; thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, sơ kết, tổng kết biểu dương, khen thưởng trên địa bàn; tổ chức đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm công tác phối hợp hoạt động của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp; tăng cường kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các cấp./.
Lan Phạm