Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại các địa phương

29/01/2011 | 09:34

(VP)- Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thị xã Sơn Tây-Hà Nội về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Sau khi Đoàn công tác khảo sát các khu di tích lịch sử và nghe lãnh đạo các Sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thị xã Sơn Tây-Hà Nội, Thứ trưởng đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các tỉnh về công tác chỉ đạo thực hiện kết luận 51-KL/TW ngày 22/07/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) tiếp tục thực hiện chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tại tỉnh Phú Thọ:

Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh tiếp tục vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh; phát huy việc triển khai tốt công tác lễ hội hàng năm đặc biệt là lễ hội đền Hùng (chỉ đạo, hướng dẫn các huyện về trình tự nghi thức, trang phục và đồ dùng lễ hội, tránh tình trạng lai tạp hiện đại xen lẫn với cổ truyền, ngăn chặn việc mê tín dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, xin âm dương ở một số lễ hội nhỏ; ngăn chặn tình trạng thương mại hóa lễ hội, chấn chỉnh việc nhận danh xã hội hóa lễ hội nhằm mục đích trục lợi, các dịch vụ bán hàng phải được kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng lừa đảo, ép mua, ép giá, bán hàng rong, hoặc bày bán hàng tại khu vực I của di tích, hoặc bán hàng lấn chiếm đường đi của người đi lễ.

Kiên quyết thu hồi tiền in Poolime âm phủ giống tiền Poolime Nhà nước đang lưu hành tại các gian hàng bán đồ lễ nơi thờ tự; các hoạt động văn hóa công cộng phải được thực hiện theo đúng quy định, ngăn chặn các trò chơi có tính cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm ngoài luồng, quảng cáo ồn ào bằng loa đài, ngăn chặn nạn ăn xin, cướp giật, và các tệ nạn khác xảy ra nơi tổ chức lễ hội; để tăng cường tính chủ động và có phương án tổ chức phù hợp, đề nghị tỉnh Phú Thọ chú trọng công tác dự báo lượng khách mùa lễ hội năm 2011, đặc biệt là lễ hội đền Hùng.

Về một số kiến nghị của UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ VHTTDL giao Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, giao Cục Văn hóa cơ sở dự thảo văn bản hướng dẫn về quy mô, tần xuất về lễ hội, ngày kỷ niệm và sẽ sớm ban hành. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ VHTTDL lịch chỉ xem xét hỗ trợ tu bổ, tôn tạo đối với các di tích đã được xếp hạng. Bộ đề nghị tỉnh thực hiện đúng quy trình thủ tục đối với các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, cân đối thứ tự ưu tiên đặc biệt tại các huyện xã miền núi có nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến để Bộ có cơ sở xem xét hỗ trợ; giao Cục Di sản văn hóa và Vụ Kế hoạch-Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện; về các kiến nghị liên quan đến những cơ chế, chính sách đối với cán bộ văn hóa cơ sở, Bộ chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của địa phương, tuy nhiên đây là những vấn đề chung, Bộ sẽ có ý kiến phối hợp trong giải quyết các vấn đề có liên quan tới Bộ Nội vụ.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc:

Những năm qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác vận động nhân dân cưới theo nếp sống mới, tiết kiệm, việc tang đã vận động nhiều gia đình hỏa táng, bỏ thủ tục mê tín dị đoan, tuy nhiên một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa nghiêm túc. Việc tổng kiểm kê di tích kịp thời (có cán, bộ, đảng viên còn chưa nghiêm túc, việc tổng kiểm kê di tích kịp thời (có 1264 di tích trong đó 321 di tích được xếp hạng), UBND tỉnh đã ban hành quy định về bảo vệ di tích và cổ vật (QĐ số 34/2009/QĐ-UB); lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, quy mô vừa phải, UBND ban hành quy định năm chẵn tỉnh tổ chức, năm lẻ huyện tổ chức các lễ hội lớn như lễ hội Tây Thiên, lễ hội đền Thính, lễ hội đền Đuông, lễ hội Chọi Trâu… đảm bảo an ninh trật tự an toàn cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng đặt nhiều hòm công đức, việc đốt đồ mã, trò chơi “ăn tiền” tuy không nhiều nhưng vẫn có trong một số lễ hội.

Để tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh khi chỉ đạo tổ chức việc cưới cần quy định cụ thể về dánh giá cán bộ, công chức, lãnh đạo thôn xóm, xã phường về gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của gia đình tại nơi cư trú. Đặc biệt, UBND tỉnh cần nghiên cứu giành quỹ đất để xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, tiến tới văn minh trong việc tang.

Đối với tổ chức lễ hội, UBND tỉnh cần tổ chức tốt công tác lễ hội năm 2011 và chú trọng rà soát các địa điểm đặt hòm công đức tại nơi thờ tự hợp lý. Bố trí lực lượng thu gom hương, tiền, lễ đặt tại các vị trí không đúng quy định làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Kiên quyết ngăn chặn việc giắt tiền, thả tiền nơi thờ tự, đốt đồ mã nơi công cộng; các dịch vụ khuân vác đồ của người đi lễ tại chùa Tây Thiên và các dịch vụ bán hàng phải được kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng lừa đảo, bán hàng rong, mua bán ép giá hoặc bày bán hàng tại khu vực I của di tích, hoặc bán hàng lấn chiếm đường đi của người đi lễ. Kiên quyết thu hồi tiền Poolime âm phủ giống tiền Poolime Nhà nước đang lưu hành tại các hàng bán đồ lễ nơi thờ tự.

Các hoạt động văn hóa công cộng phải được thực hiện đúng theo quy định, ngăn chặn các trò chơi có tính chất cờ bạc trá hình, lưu hành văn hóa phẩm ngoài luồng, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan như rút thẻ, xin âm dương, bói toán… Ngăn chặn nạn ăn xin, cướp giật, và các tệ nạn khác xảy ra nơi tổ chức lễ hội; có phương án điều hành giao thông trong khu vực lễ hội tránh tình trạng quá tải, lộn xộn, đảm bảo an toàn, tính mạng cho du khách, bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, có biện pháp phòng chống cháy, nổ cho di tích trong dịp lễ hội.

Bộ sẽ giao Thanh tra Bộ, cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa phối hợp với lực lượng thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các lực lượng của địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết các vi phạm trong mùa lễ hội. Để tăng cường tính chủ động và có phương án tổ chức phù hợp, Bộ đề nghị tỉnh trú trọng công tác dự báo lượng khách mùa lễ hội năm 2011, đặc biệt là Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo), lễ hội Chọi trâu (Lập Thạch).

Về một số kiến nghị của UBND tỉnh, Bộ VHTTDL đã giao Cục Văn hóa cơ sở dự thảo văn bản hướng dẫn về quy mô, tần suất về lễ hội, ngày kỷ niệm và sẽ sớm ban hành; Bộ VHTTDL cũng bày tỏ sự ủng hộ về dự án Trung tâm văn hóa, lễ hội Tây Thiên, dự án Tam Đảo II, dự án Trường đua ngựa và đề nghị tỉnh phải thực hiện theo trình tự, thủ tục hiện hành, trong phạm vi, thẩm quyền Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh.

Bộ đề nghị tỉnh thực hiện đúng quy trình, thủ tục đối với các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, cân đối thứ tự ưu tiên để Bộ có cơ sở xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ giao Cục Di sản văn hóa và Vụ Kế hoạch-Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện; giao Tổng cục Du lịch phối hợp và hướng dẫn Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh/thành (Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Hà Nội).

Tại thị xã Sơn Tây-Hà Nội:

Những năm qua, UBND thị xã Sơn Tây đã làm tốt công tác kiểm kê di tích (có 172 di tích trong đó có 66 di tích được xếp hạng), thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước trong công tác bảo tồn, tôn tạo và quản lý di tích; 74 lễ hội Sơn Tây mang đậm tính chất lễ hội dân  gian, được tổ chức trang trọng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng trò chơi “tôm, cua, cá” ăn tiền trong một số lễ hội, việc tiếp nhận, trưng bày đồ cúng tiến một số nơi còn ảnh hưởng tới di tichsm chưa thực hiện đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Để tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Bộ đề nghị tỉnh khuyến khích dân cư tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa trên địa bàn dân cư theo hình thức văn minh, tiết kiệm, lành mạnh, giảm thiểu việc ăn uống linh đình. Việc tang phải quy hoạch các nghĩa trang của thôn, làng tránh phô trương, gây lãng phí đất đai và phản cảm trong nghĩa trang, xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, yêu cầu thực hiện văn minh trong việc tang, không để tình trạng lễ nghi rườm rà, ăn uống lãng phí.

Ngoài ra, tỉnh cần tổ chức tốt công tác lễ hội năm 2011 và chú trọng hướng dẫn đặt khay để người đi lễ đặt tiền “giọt dầu”, không đặt quá nhiều hòm công đức tại Đền Và, bố trí lực lượng thu gom hương, tiền, lễ đặt tại các vị trí không đúng quy định làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Kiên quyết ngăn chặn việc giắt tiền, thả tiền nơi thờ tự, đốt đồ mã nơi công cộng; các dịch vụ bán hàng phải được sắp xếp đúng nơi quy định, không bày bán hàng tại khu vực I của di tích, hoặc lấn chiếm đường đi của người đi lễ. Kiên quyết thu hồi tiền Poolime âm phủ giống tiền Pôlime  Nhà nước đang lưu hành tại các hàng bán đồ lễ nơi thờ tự; các hoạt động văn hóa công cộng phải thực hiện đúng theo quy định, ngăn chặn các trò chơi có tính chất cờ bạc trá hình như “tôm, cua, cá”, trò chơi kinh dị, lưu hành văn hóa phẩm ngoài luồng, quảng cáo ồn ào bằng loa đài, ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan như rút thẻ, xin xăm, bói toán… Ngăn chặn nạn ăn xin, cướp giật và các tệ nạn khác xảy ra nơi tổ chức lễ hội.

Có phương án điều hành giao thông trong khu vực lễ hội tránh tình trạng quá tải, chen chúc, lộn xộn đảm bảo an toàn, tính mạng cho du khách, bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường, có biện pháp phòng chống cháy nổ cho di tích trong dịp lễ hội. Đối với việc bảo vệ di tích cần di dời 2 con sư tử cúng tiến trước Đền Và, cất một số lục bình cúng tiến bày không hợp lý, di dời các trạn để mâm, đĩa ra khỏi nơi thờ tự, việc xây dựng các công trình trong di tích phải xin phép, việc chọn các đơn vị tu bổ phải là đơn vị có chuyên môn và có năng lực.

Bộ sẽ giao Thanh tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa phối hợp với các lực lượng thanh tra Sở VHTTDL và các lực lượng của địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết các vi phạm trong mùa lễ hội.

Về một số kiến nghị của UBND Thị xã Sơn Tây, Bộ đề nghị Sở VHTTDL trong thời gian tới tiếp tục mở các hội nghị tập huấn đáp ứng đề nghị của Thị xã về tuyên truyền di tích, lễ hội; hoàn thành quy chế hướng dẫn quản lý tiền công đức và tiền “giọt dầu” trong các di tích và trong lễ hội. Bên cạnh đó, Bộ đề nghị UBND Thị xã sớm hoàn thiện quy hoạch Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm theo ý kiến cơ quan chuyên ngành; đề nghị Sở VHTTDL hướng dẫn thị xã Sơn Tây thực hiện theo quy định về lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử Đền thờ Ngô Quyền, Phùng Hưng và Giang Văn Minh.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×