Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch

05/08/2014 | 17:32

Trong 7 tháng đầu năm 2014, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn nhưng ngành Du lịch đã tranh thủ tận dụng mọi điều kiện và thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục tăng trưởng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Trong đó, ngành Du lịch đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai các hoạt động, thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ban hành Kế hoạch hành động

Trước diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch đã xây dựng kế hoạch hành động để chủ động ứng phó, giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến sự phát triển du lịch trên cơ sở nội dung chỉ đạo tại văn bản số 1836/KH-BCĐNNVDL ngày 06/6/2014 của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Kế hoạch số 46/KH-BVHTTDL ngày 19/5/2014 của Bộ VHTTDL và bài học thực tiễn trong công tác quản lý.

Mục tiêu của Kế hoạch hành động này là đẩy mạnh truyền thông, mở rộng thị trường để bù đắp sự sụt giảm lượng khách từ Trung Quốc và thị trường nói tiếng Hoa, đưa du lịch Việt Nam vượt qua thách thức, khó khăn, nhanh chóng phục hồi và duy trì đà tăng trưởng.

Quan điểm xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động là đánh giá đúng nguyên nhân, mức độ và phạm vi tác động; triển khai đồng bộ các hoạt động khẩn cấp, ngắn hạn và dài hạn tới các đối tượng chịu tác động; huy động các nguồn lực tham gia thực hiện kế hoạch.

Nội dung của Kế hoạch hành động được xây dựng theo 3 cấp độ: Khẩn cấp, ngắn hạn và trung hạn với các nội dung: Gửi văn bản đến các cơ quan du lịch quốc gia một số nước cam kết Việt Nam đảm bảo duy trì dịch vụ du lịch bình thường và đảm bảo, an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách du lịch; trực tiếp gặp gỡ, thông báo về tình hình du lịch Việt Nam với Đại Sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam; cử các đoàn công tác đến các địa bàn du lịch trọng điểm để nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo, họp báo và các hoạt động truyền thông khác.

Về ứng phó với diễn biến tình hình trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông ra nước ngoài cùng đồng thời với truyền thông tại chỗ, trong nước; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại các thị trường du lịch trọng điểm; tăng cường các hoạt động mở rộng thị trường; đẩy mạnh thực hiện kích cầu du lịch, bao gồm cả kích cầu quốc tế và kích cầu nội địa; tăng cường tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế vào Việt Nam du lịch; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch thông qua chính sách liên kết, phối hợp liên ngành.

Đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các địa phương

Tại các địa phương, trong 7 tháng đầu năm, nhiều sự kiện lớn mang tầm khu vực và quốc gia, liên vùng được tổ chức: Hội chọ Du lịch quốc tế VITM 2014 (Hà Nội), Hội nghị phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao đoàn (tại Điện Biên), Festival Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Festival Huế 2014, Festival Nho - Vang quốc tế lần thứ nhất (Ninh Thuận); Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam 2014... đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Ngoài ra, nhiều địa danh du lịch, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc trưng vùng miền được các tổ chức, báo chí quốc tế bình chọn đã góp phần tô đậm thêm hình ảnh của Du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế. Trước diễn biến tình hình mới tại Biển Đông, nhiều địa phương đã kịp thời triển khai các biên pháp hạn chế tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch tại địa bàn.

Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng đã được chú trọng triển khai. Xu hướng liên kết không chỉ kết nối giữa các địa phương lân cận hoặc trong vùng như trước đây mà đã phát triển đa dạng, nhiều cấp độ như liên kết vùng Duyên hải miền Trung với Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Bắc mở rộng...

Qua các hoạt động liên kết, nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, quảng bá, xúc tiến... đã được thực hiện đồng bộ tại các địa bàn du lịch trọng điểm và góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam. Các khu vực Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Khánh Hòa - Lâm Đồng, Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh, Long An - Tiền Giang - Cần Thơ... đang từng bước trở thành các trung tâm thu hút khách du lịch, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các địa phương lân cận.

Tháng 7/2014, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mặc dù vẫn tăng 4,6% so với tháng 6-2014 (đạt 564.000 lượt) nhưng giảm 14,2% so với cùng kỳ tháng 7-2013. Hầu hết các thị trường có khách nói tiếng Hoa đến Việt Nam đều bị suy giảm. Trong đó Malaysia giảm 36,2%, Indonesia giảm 35,8%, Trung Quốc giảm 28,8%, Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 27,4%, Đài Loan (Trung Quốc) giảm 15,7%... Do đó, dù tính đến hết tháng 7, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013 (đạt 4,85 triệu lượt khách quốc tế), nhưng mức tăng này thấp hơn dự định. Đặc biệt, diễn biến thị trường hiện tại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện cuối năm.


TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×