Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
24/06/2019 | 07:50Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Ảnh tư liệu TTXVN
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, song song với những nhiệm vụ cách mạng cao cả khác là chiến đấu giành độc lập dân tộc, kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, con người mới gắn bó mật thiết với các nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, thực hiện tốt những lời Hồ Chủ tịch căn dặn, nền văn hóa mới, con người mới chắc chắn là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến nhanh hơn đến bến bờ hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta đã nửa thế kỷ nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa đất nước vượt qua những giai đoạn thử thách chông gai, ngày càng thêm vững vàng trên con đường đi tới những thắng lợi vẻ vang. Tư tưởng của Người về nền văn hóa mới, con người mới trong Di chúc tiếp tục soi sáng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền văn hóa mới, con người mới trong Di chúc
Trong tác phẩm Hồ Chí Minh - quá khứ, hiện tại và tương lai, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: "Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam và của loài người với ý nghĩa đầy đủ nhất của danh hiệu Nhà văn hóa. Ở Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn, gắn liền với nhân văn lớn, phát huy truyền thống của một dân tộc "văn hiến". Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn vì cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, làm sáng lên một chủ nghĩa nhân văn trùng với những ước mơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam và các dân tộc, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người" (1) . Tư tưởng về Đảng cầm quyền lấy đoàn kết nhất trí là sức mạnh, lấy thực hành dân chủ rộng rãi, lấy tự phê bình và phê bình bằng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau để giữ gìn sức mạnh là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng được văn hóa Đảng theo lời Hồ Chủ tịch căn dặn thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi. Nền văn hóa mới có Đảng cộng sản lãnh đạo phải đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, quan tâm, chăm lo đến mọi đối tượng trong xã hội để mỗi thành phần, tầng lớp đều được trao cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Di chúc đề cập tới các chính sách và biện pháp đối với thương binh, liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của họ, đối với phụ nữ, thanh niên, nông dân, đồng bào miền xuôi cũng như miền núi, những nạn nhân của chế độ cũ… Nền văn hóa mới theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải điều gì xa vời, trừu tượng, ngược lại, rất thực tế, hiện hữu hàng ngày, được khái quát lại thành những chuẩn mực ngắn gọn, cô đọng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ những đạo lý truyền thống ngàn đời như uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái của dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị cho phù hợp với thời đại để tạo ra những giá trị của nền văn hoá mới, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đề cập đến vấn đề con người, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người mới, con người xã hội chủ nghĩa, Di chúc viết năm 1968 của Người đề cập nhiều đến vấn đề con người mà Người trăn trở. Con người mới của xã hội chủ nghĩa theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là phải là cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải biết chăm lo cho hạnh phúc nhân dân ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấm nhuần đạo đức cách mạng, xứng đáng là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Từ những con người mới đấy sẽ nêu gương để người tốt, việc tốt nảy nở như hoa mùa xuân. Muốn có con người mới, một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết mà Đảng phải đặc biệt quan tâm, đó là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", để có con người mới, "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" (3) . Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng ở tuổi trẻ, chăm lo cho tuổi trẻ từ một tổ chức đến một bông hoa trong đời thường. Bác yêu mến tuổi trẻ và cũng đòi hỏi tuổi trẻ phải sống xứng đáng với Tổ quốc, với dân tộc, với cách mạng. Điều Bác dặn thấm đượm ân tình, mong muốn đào tạo thanh niên trở thành lực lượng to lớn, vững chắc trong kháng chiến và kiến quốc, để thanh niên cố gắng làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng với ý nghĩa của chiếc huy hiệu "tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên" rất tươi đẹp, vẻ vang.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho hạnh phúc của con người, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới luôn là mục tiêu phấn đấu cao nhất xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đảng, Nhà nước ta luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về xây dựng nền văn hóa mới. Tháng 11/1987, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về lãnh đạo văn hóa văn nghệ trong cơ chế thị trường, định hướng xây dựng nền văn hóa mới là tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII tháng 7/1998 xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cốt lõi của nền văn hóa mới là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng, gắn kết, thấm sâu vào đời sống xã hội. Tư tưởng, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có chuyển biến tích cực thông qua việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện các Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 05-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những chỉ thị, phong trào thu được kết quả sâu rộng đã tạo sự lan tỏa trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để giành lấy thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, Đảng luôn quan tâm, huy động toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân cùng chung sức chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Xây dựng nền văn hóa mới và con người mới có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Về mối quan hệ giữa văn hoá với xây dựng con người mới, Văn kiện Đại hội IX chỉ rõ: Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hoá là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. "Hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải vật chất và văn hóa, mọi nền văn minh của các quốc gia" (4), luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi sự phát triển và coi việc phát huy nhân tố con người là một trong những nhiệm vụ chiến lược, Đảng có nhiều quan điểm, chủ trương đúng đắn về phát huy nhân tố con người theo hướng ngày càng rõ nét, hoàn thiện hơn. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Đảng khẳng định nhiệm vụ xây dựng con người về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng, đó cũng là phẩm chất toàn vẹn mà Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua các kỳ đại hội, nhiệm vụ xây dựng con người đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển biến quan trọng, gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao… đang đặt ra những đòi hỏi về việc phát triển con người đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Con người mới phải có lòng thiết tha yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi xu thế toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, sự hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia dân tộc ngày càng mãnh liệt thì ý thức dân tộc càng phải trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước. Phải khơi dậy, bồi dưỡng, cổ vũ, khuyến khích tinh thần dân tộc; tạo khối đồng thuận, đoàn kết nhất trí vì mục tiêu, khát vọng chung. Yêu nước không chỉ là tình cảm, yêu nước phải thể hiện bằng hành động, xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai với các cường quốc khác. Con người mới phải có kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, cố gắng hội nhập được với xu thế thế giới, chuyên nghiệp, thích ứng nhanh với cách mạng khoa học - công nghệ 4.0 hiện nay. Con người mới phải có những phẩm chất đạo đức phù hợp thuần phong mỹ tục và thời đại tiến bộ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa" (5) . Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, trình độ dân trí ngày càng cao, đời sống của người dân được cải biến rõ nét, con người được tạo điều kiện phát triển toàn diện, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Năm 1923, trong bài "Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc" được đăng trên Tạp chí Ngọn lửa nhỏ - Liên Xô, nhà báo Liên Xô Ôxip Mandenxtan nhận xét: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai". Những quan điểm về nền văn hóa mới, con người mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, chỉ dẫn cho chúng ta trong nhận thức và giải quyết những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển hiện nay khi nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế kéo theo nguy cơ biến đổi, suy thoái các giá trị văn hóa truyền thống. Những tư tưởng lớn trong Di chúc đã và đang soi sáng sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, trong thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ths. Cao Thị Hải Yến
PGĐ. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
(1) Nguyễn Nguyên Trứ, Cách viết của Bác Hồ, NXB Giáo dục, 1999
(2) Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965
(3) Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, nxb CTQG, tr345
(5) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, nxb CTQG, tr207
(6) Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, nxb CTQG, tr207