Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hòa Bình
25/05/2021 | 08:46Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đảm bảo đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường, là động lực góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng, hình thành chuỗi giá trị du lịch, đảm bảo chia sẻ lợi ích cộng đồng, doanh nghiệp và du khách được hưởng lợi từ du lịch.
Cơ cấu lại ngành Du lịch trong đó tập trung vào cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Tập trung khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc…Tăng cường liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường khách du lịch từ Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN và thị trường Châu Âu để tăng thời gian lưu trú, tăng chi phí trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Phát triển các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức, Thái Lan, Malaysia, Singapore…Tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa từ Hà Nội và kết nối với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh…; mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, các khu vực động lực phát triển; tập trung nghiên cứu phát triển loại hình: du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, lễ hội - tín ngưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề thủ công truyền thống, Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Du lịch thể thao - giải trí…Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch mạo hiểm…; khai thác loại hình du lịch MICE, du lịch mạo hiểm; du lịch chữa bệnh, chăm sức sức khỏe; du lịch tìm hiểu ẩm thực. Phát triển hệ thống trung tâm mua sắm, cửa hàng lưu niệm mang đặc trưng các dân tộc Hòa Bình, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch.
Đối với các nguồn lực phát triển du lịch, phải cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực từ ngân sách để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng các khu, điểm du lịch được ưu tiên theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hòa Bình, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Quan tâm đến công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực khoa học công nghệ. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, doanh nghiệp; cung cấp thông tin; phát triển du lịch thông minh; sử dụng công nghệ xanh – sạch – sáng tạo. Đặc biệt phải tăng cường kết nối, sử dụng hợp lý các nguồn lực: nguồn lực Trung ương, của tỉnh và của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho phát triển du lịch.
Trong nguồn nhân lực du lịch, tăng số lao động trực tiếp và gián tiếp, chú trọng đào tạo lao động du lịch lành nghề có tính chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, số lao động trong ngành du lịch của Hòa Bình cần khoảng 4.700 người, nhu cầu đào tạo mới là 1.600 người. Tăng dần tỷ trọng lao động trong ngành du lịch qua đào tạo.
Thực hiện cơ cấu loại doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Thu hút các doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt như: Sun Group, Tân Hoàng Minh, T&T, FLC, đầu tư dự án du lịch vui chơi, giải trí, định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm su lịch cao cấp, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình kinh doanh phát triển du lịch. Hỗ trợ đào tạo nghề và tạo điều kiện cho người dân phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc…Khuyến khích hình thành các hợp tác xã du lịch cộng đồng, hợp tác xã thổ cẩm, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm thủ công. Đây là mô hình cần được phát triển nhân rộng tại các địa phương, để khai thác và phát huy mọi tiềm năng lợi thế của các địa phương, góp phần phát triển du lịch bền vững và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và tập thể.
Trong hệ thống quản lý du lịch, từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo định hướng quy hoạch các vùng du lịch của tỉnh và khu vực để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Hình thành hệ thống quản lý các khu, điểm du lịch đủ mạnh để thúc đẩy phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Xây dựng cơ cấu hợp lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các địa phương và cấp cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng của trung ương, của tỉnh và các địa phương để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch…/.