Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù

30/10/2023 | 17:00

Ngày 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Cách tiếp cận xây dựng các Chương trình chưa thực sự phù hợp

Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tại đây, Đoàn giám sát chỉ ra các nguyên nhân khiến các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tới thời điểm này còn một số tồn tại.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Theo Đoàn giám sát, lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các nguyên tắc đổi mới của Quốc hội là thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phân cấp cho địa phương và nhiều yêu cầu về đổi mới cơ chế quản lý, nội dung tiếp cận xây dựng chính sách nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc Trung ương chưa cụ thể hóa được cơ chế đặc thù, mất nhiều thời gian để ban hành văn bản hướng dẫn đã làm chậm tiến độ thực hiện các Chương trình.

Năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình còn hạn chế về số lượng và chất lượng, nhất là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có tình trạng đùn đẩy, né tránh, tâm lý sợ trách trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện một số chính sách còn chưa rõ ràng, đồng bộ.

Việc phối hợp của một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Vai trò của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình và chủ quản các chương trình chưa được phát huy, nhất là tham mưu, điều hoà, phối hợp xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của 02 bộ ngành trở lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành một số địa phương chưa thực sự sâu sát, có nơi còn lúng túng trong việc ban hành văn bản, hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền.

Cả 03 Chương trình đều gắn liền với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 03 Chương trình giao Chính phủ xây dựng chính sách, cơ chế quản lý đặc thù, trên cơ sở thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác làm cho Chính phủ và các địa phương chưa cụ thể hóa được theo thẩm quyền.

Cách tiếp cận xây dựng các Chương trình chưa thực sự phù hợp, được thiết kế phức tạp gồm nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực cùng chủ trì thực hiện với khoảng gần 100 chính sách (Nhất là Chương trình dân tộc thiểu số).

Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 03 CTMTQG có giao Chính phủ xây dựng chính sách, cơ chế quản lý đặc thù, nhưng lại yêu cầu thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật khác. Điều này làm cho Chính phủ và các địa phương khó thể chế hóa, quản lý thực hiện các CTMTQG theo cơ chế đặc thù.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành các Chương trình còn chậm, nhất là chưa xây dựng, triển khai kịp thời hệ thống giám sát, đánh giá quản lý, điều hành các Chương trình; hệ thống thông tin, dữ liệu, báo cáo từ địa phương đến Trung ương chưa đồng bộ, đầy đủ, minh bạch.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ (như: Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I: 2021-2025)...) để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn.

Cần truyền thông hiệu quả hơn

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản đồng tính với báo cáo giám sát. Đại biểu cho biết, việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình không đạt như mong muốn. Truyền thông nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.

Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được hiểu được và đồng tình với chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi hiệu quả, mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia: Rất cần cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đặc thù - Ảnh 3.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Còn theo Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên: giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn.

"Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế chính có ý thức vươn lên. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo"- Đại biểu cho biết và khẳng định, cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Ngoài ra, theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả thì chưa đảm bảo, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực. Tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc giải ngân trong công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn bất cập, cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia này.

S.Đào

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×