Thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Yên Bái trong tình hình mới
24/04/2023 | 10:40Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 720 di sản văn hóa vật thể và 574 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong đó, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 132 di tích, danh thắng đã được xếp hạng các cấp (gồm 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh); 60 di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn các cấp (trong đó Nghệ thuật Xòe Thái - được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 05 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Toàn tỉnh hiện có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) và 21 người đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xét tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (theo Quyết định số 03/2020/QĐ-UBND ngày 17/01/2020 ban hành Quy chế xét tặng nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên Bái).
Những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người Yên Bái; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển.
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của tỉnh, Yên Bái đã xây dựng một triết lý phát triển riêng theo hướng phát triển “xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc”. Qua nhiều nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Yên Bái đã có một hệ thống văn bản chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp (bao gồm nhiều nghị quyết, chính sách, đề án, kế hoạch...) với những bước đi, lộ trình, nhiệm vụ rất cụ thể đặt ra cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ngay sau khi Luật Di sản văn hóa năm 2021 có hiệu lực, tỉnh Yên Bái đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có liên quan. Việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa được tăng cường.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được quan tâm chú trọng và triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong tham gia gìn giữ, bảo vệ di sản, cảnh quan môi trường, không gian, phong tục tập quán... gắn với môi trường tồn tại và phát triển của di sản, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Quan tâm tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, người có uy tín trong cộng đồng để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc xây dựng cộng đồng, trách nhiệm của các tầng lớp dân cư, tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, qua đó thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn bền vững di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đã triển khai tích cực các phong trào “Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện”, Trường học hạnh phúc, triển khai các mô hình trường học gắn với thực tiễn và tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản trong nhà trường (như: Trường học gắn với bảo tồn di tích lịch sử, trường học du lịch; chăm sóc các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, học tập ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái và các di tích lịch sử cách mạng…), nhằm giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, đồng thời hun đúc thêm cho các em về tình yêu quê hương, đất nước.
Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm đến việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Với những tiềm năng về tự nhiên và văn hóa, lịch sử, tỉnh Yên Bái đã hình thành 04 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh (vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây tỉnh Yên Bái và vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên), trong đó xây dựng các tuyến/sản phẩm du lịch thuộc để khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, mỗi địa phương; phục vụ du khách đến Yên Bái trải nghiệm du lịch cộng đồng, khám phá văn hóa, lịch sử, ẩm thực các tộc người thiểu số (tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh và phía đông hồ Thác Bà), du lịch tâm linh (với các di tích dọc sông Hồng, sông Chảy); góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm là di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh tới đông đảo du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để các di tích được bảo tồn, tôn tạo, phát huy. Trong quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, việc phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích, di sản văn hóa cũng tiếp tục được đặt ra và đưa vào quy hoạch của tỉnh.
Quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, các nghị quyết chuyên đề và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về di sản văn hóa đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, trên cơ sở cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, bước đầu đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Cùng với các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã có chính sách đặc thù nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua việc hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh... bảo tồn chữ viết, tiếng nói, truyền dạy, thực hành di sản, bảo tồn nghề truyền thống... đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Từ năm 2016 đến nay, trong các cấp học phổ thông ở địa phương đã biên tập tài liệu giảng dạy, tích hợp giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với các môn lịch sử, văn học, địa lý, giáo dục công dân trong các cuốn "Tài liệu giáo dục địa phương"; xây dựng mô hình “Trường học gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Hằng năm, mở các hội thi gắn với các di sản văn hóa phi vật thể cấp huyện như: Tổ chức các hội thi múa khèn, múa khăn, vẽ hoa văn trên vải...
Các nghệ nhân ưu tú trên địa bàn cũng được địa phương hỗ trợ mở các lớp truyền dạy lại các di sản văn hóa phi vật thể cho lớp trẻ (như: dạy chữ Thái cổ, nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò Nghĩa Lộ; dạy tiếng nói, chữ nôm Dao ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; lớp học đàn tính - hát Then của dân tộc Tày ở Trấn Yên.... ). Việc mở lớp truyền dạy kết hợp với đưa vào chương trình học ở các trường tiểu học, trung học phổ thông đã tạo nên sức sống cho các di sản văn hóa phi vật thể, giúp cho các thế hệ sau trân trọng giá trị của di sản.
Công tác quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp về di sản văn hóa đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, hiệu quả hơn; đã góp phần vào việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra trên 40 điểm lễ hội, trong đó được phân ra 02 loại hình chính: Lễ hội truyền thống; bao gồm các lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa (như: Lễ hội Đền Đông Cuông, lễ hội Đền Nhược Sơn, lễ hội Đền Đại Cại, lễ hội Đền Tuần Quán, lễ hội Đền Nam Cường, lễ hội Đền Thác Bà....), lễ hội dân gian (như: Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Tày, Thái; lễ hội xên bản, xên mường của đồng bào dân tộc Thái; lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Khơ Mú) thường được tổ chức vào dịp đầu xuân với các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được tổ chức theo nghi lễ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân; Lễ hội văn hóa du lịch được tổ chức thường niên (như: Tuần văn hóa, du lịch Mường Lò; lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; lễ hội Bưởi Đại Minh, Lễ hội Quế Văn Yên...) nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc; những tiềm năng du lịch tại địa phương.
Các lễ hội khi được tổ chức đều thành lập Ban tổ chức với đầy đủ các thành phần liên quan phù hợp với quy mô, tính chất của lễ hội. Công tác tuyên truyền lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được thực hiện xuyên suốt trước, trong và sau lễ hội. Hoạt động lễ hội diễn ra tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
Công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để tổ chức lễ hội được đẩy mạn;, đặc biệt là Lễ hội đền Đông Cuông, Lễ hội Tuần văn hóa, du lịch Mường Lò; lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, lễ hội đền Đại Cại, lễ hội đền Mẫu Thác Bà... được quan tâm phát triển, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của tỉnh, của mỗi địa phương trong tỉnh, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân, giúp xây dựng và nhận diện thương hiệu/sản phẩm du lịch Yên Bái gắn với di sản, trở thành động lực mới thu hút khách du lịch đến với Yên Bái và vùng Tây Bắc.
Thông qua việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, nhiều giá trị di sản văn hóa của tỉnh đã được bảo tồn, phát huy, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, phát triển văn hóa, con người Yên Bái trong tình hình mới, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.