Thúc đẩy hợp tác phát triển ba lĩnh vực trụ cột văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Lâm Đồng
17/05/2025 | 19:05Ngày 17/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Diễn đàn Kết nối "Văn hóa – Du lịch – Thương mại" tỉnh Lâm Đồng năm 2025 tại Hà Nội. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025.
Đến tham dự Diễn đàn có các đại biểu: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong;…
Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối các nguồn lực trong ba lĩnh vực trụ cột văn hóa, du lịch và thương mại của tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư trong ba lĩnh vực văn hóa, du lịch và thương mại của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới; Kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị lữ hành và tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước; Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Lâm Đồng và các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Bắc, trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng và chiến lược phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc tổ chức Diễn đàn Kết nối "Văn hóa - Du lịch - Thương mại" năm 2025. Đây là bước đi cụ thể, thể hiện tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong định hướng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có giá trị gia tăng cao; Thương mại là động lực thúc đẩy sản xuất - tiêu dùng, mở rộng thị trường. Trên tinh thần đó, Lâm Đồng cần nghiên cứu tập trung khai thác hiệu quả ba trụ cột này với các định hướng chiến lược, cụ thể: phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo; xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng theo hướng xanh - thông minh - trải nghiệm - bản sắc. Đồng thời, hiện đại hóa hạ tầng thương mại - logistics - nền tảng số.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Diễn đàn
Vì vậy, để hiện thực hóa các định hướng trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Lâm Đồng cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phát triển chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể tỉnh mới sau sáp nhập, gắn với chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên mở rộng. Quy hoạch phải tích hợp không gian phát triển văn hóa, đô thị sinh thái, du lịch thông minh, nông nghiệp xanh và công nghiệp sáng tạo; phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương. Tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng, hình thành các hành lang kinh tế – du lịch biển - cao nguyên - biên giới, thu hút đầu tư chiến lược, phát triển hạ tầng logistics và giao thông đồng bộ.
Đặc biệt, sau khi sáp nhập và sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, cống hiến vì sự phát triển chung của tỉnh, không để nảy sinh tư tưởng cục bộ hay chia cắt lợi ích địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Diễn đàn
Tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm đã giới thiệu khái quát những thế mạnh của địa phương. Đồng thời, cho biết về định hướng phát triển nhanh, bền vững của Lâm Đồng.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đang phấn đấu vươn lên là tỉnh phát triển khá của cả nước, với Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng. Ngành nông nghiệp, công nghệ cao giữ vai trò chủ lực, du lịch tiếp tục là điểm sáng với thương hiệu thành phố Festival Hoa, Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về lĩnh vực âm nhạc và nhiều lễ hội văn hóa, thể thao quy mô quốc gia, quốc tế đã được tổ chức thành công. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có không gian phát triển rộng lớn với quy mô diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (trên 24.230 km2), quy mô kinh tế nằm trong top 10 cả nước, hội tụ đủ các yếu tố "biển - rừng - biên giới - hải đảo".

Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn
"Chình vì vậy, Diễn đàn hôm nay là dịp quan trọng để Lâm Đồng lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, các khuyến nghị chính sách, mô hình thực tiễn từ quý vị đại biểu, nhà đầu tư, chuyên gia. Từ đó, xây dựng một chiến lược phát triển Lâm Đồng mới thực sự có tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu thế quốc tế, gắn với nhu cầu và nội lực của địa phương – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh.
Diễn đàn diễn ra gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất, kết nối chiến lược phát triển văn hóa - du lịch - thương mại của tỉnh Lâm Đồng; Phiên thứ 2 là tọa đàm bàn tròn thúc đẩy kết nối văn hóa - du lịch - thương mại vào Lâm Đồng - Tiềm năng, thách thức và giải pháp.

Các đại biểu đi tham quan gian hàng sản phẩm OCOP của Lâm Đồng
Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng tăng cường kết nối vùng và hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trên cả nước với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, Hà Nội cùng cả nước". Trong đó, mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Lâm Đồng, đặc biệt với huyện Lâm Hà, đã ghi dấu ấn qua gần 4 thập kỷ. Kể từ khi thành lập vùng kinh tế mới Lâm Hà năm 1987, Hà Nội đã đồng hành cùng Lâm Đồng thông qua các chương trình hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch và trao đổi văn hóa. Giai đoạn 2004 - 2020, Hà Nội đã hỗ trợ Lâm Hà hơn 433 tỷ đồng cho 67 dự án về giáo dục, giao thông, văn hóa và y tế, góp phần đưa huyện Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật
"Với lợi thế từ Luật Thủ đô (sửa đổi) và hai quy hoạch lớn của Hà Nội đã được phê duyệt, chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng hợp tác để tạo ra không gian phát triển hài hòa, đồng bộ và bền vững giữa hai địa phương. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và đặc sản vùng miền tại Thủ đô, đồng thời đưa các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của Lâm Đồng đến gần hơn với người dân Hà Nội và du khách quốc tế" – ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cũng đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế trong phát triển văn hóa, du lịch, thương mại của tỉnh Lâm Đồng. Thứ trưởng khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành cũng tỉnh Lâm Đồng, đồng hành từ việc điều chỉnh lại quy hoạch vùng, sắp xếp lại định vị lại thương hiệu để không bị trùng lặp với các địa phương khác, đồng hành trong việc sửa Luật Du lịch tới đây, đồng hành trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa… Qua đó, nhằm tạo nên những giá trị mới góp phần vào phát triển du lịch Việt Nam trở thành kinh tế mũi nhọn.

Quang cảnh Diễn đàn
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị thực tiễn cao nhằm phát triển văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Lâm Đồng giai đoạn mới; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển du lịch, dịch vụ số; đổi mới sáng tạo đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ tỉnh Lâm Đồng…/.