Theo Báo Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế: TP Huế hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới
17/10/2024 | 09:07Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố Huế hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Là đô thị trung tâm, đô thị động lực của tỉnh, thời gian qua TP Huế đã và đang đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là đưa vào hoạt động các khu phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực. Để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm DLDV, đặc biệt là hình thành những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiến hành xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án nhằm kích cầu du lịch.
Theo đó, thành phố đã xây dựng phương án đấu giá cho thuê mặt bằng và đang tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thí điểm chợ đêm Đông Ba; xây dựng Đề án phố ẩm thực tại tuyến đường Trương Định; nâng cao chất lượng dịch vụ Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, đưa vào hoạt động Phố đêm Hoàng thành, Phố đi bộ Hai Bà Trưng, đồng thời phối hợp xây dựng đề cương Đề án “Xây dựng hai bờ sông Đông Ba thành tuyến phố thương mại, du lịch đặc trưng của TP Huế”…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, ông Trần Song cho rằng, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 03, từ năm 2021 đến nay thành phố đã đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế đêm, triển khai nhiều dự án (DA) đầu tư hạ tầng trọng điểm góp phần phục vụ DLDV, kinh tế đêm, như: DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1 cơ bản thực hiện đảm bảo tiến độ; đang triển khai thực hiện một số nội dung di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế giai đoạn 2; hoàn thành cơ bản việc di dời dân cư tại khu vực Thượng thành; các DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, chỉnh trang bãi đỗ xe kết hợp chợ đêm Đông Ba cơ bản hoàn thành; DA chỉnh trang cồn Dã Viên, đồi Vọng Cảnh hoàn thành giai đoạn 1…
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông; đồng thời kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng tái lấn chiếm, mái che, mái vẩy, buôn bán hàng rong, tổ chức thu gom các đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn và xử lý kịp thời tình trạng vi phạm trật tự đô thị theo nội dung phản ánh của công dân trên hệ thống đô thị thông minh Hue-S.
Theo ông Trần Song, trên cơ sở nền tảng du lịch hiện tại, thời gian tới thành phố tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch thông minh, du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, thiên nhiên với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe đạp, ôtô điện. Đồng thời, tăng cường các giải pháp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch Huế thông qua môi trường điện tử như tiktok, facebook, sàn giao dịch thương mại... Từ đó, định hình giá trị sản phẩm và đưa thương hiệu du lịch Huế vươn tầm quốc tế.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tuyến phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, Phố đêm Hoàng thành Huế, Phố đi bộ Hai Bà Trưng…; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh để thu hút khách du lịch. Cùng với đó là khôi phục và bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống, như: làng nghề đúc đồng ở Phường Đúc, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, ẩm thực Huế..., kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.