Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thừa Thiên Huế: Thực hiện đề án Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập

25/09/2021 | 15:25

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án "Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030".

Kế hoạch nhằm phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phát triển hệ thống bảo tàng của tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng để triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức hoạt động bảo tàng ngoài công lập; đề ra các chính sách phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khả thi nhằm khuyến khích các bảo tàng ngoài công lập ra đời và phát triển, đưa bảo tàng ngoài công lập trở thành điểm đến hấp dẫn của các đối tượng công chúng, từng bước xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập. Củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò các bảo tàng ngoài công lập, thực hiện xã hội hoá hoạt động bảo tàng; lựa chọn danh mục các bảo tàng ngoài công lập đáp ứng tiêu chí, điều kiện để hỗ trợ phát triển. Cụ thể hóa chính sách ưu đãi của trung ương nhằm hỗ trợ và phát huy giá trị các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Phấn đấu đến giai đoạn 2023 - 2026 trên địa bàn tỉnh có 03 bảo tàng ngoài công lập, giai đoạn 2027 - 2028 có 04 bảo tàng ngoài công lập, giai đoạn 2029 - 2030 có 05 bảo tàng ngoài công lập.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 5 bảo tàng công lập gồm: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế (vừa giải thể). Ngoài ra có 2 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thành lập năm 2012 tại số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế và Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ Huế thành lập cuối năm 2016, tại số 1 Phạm Hồng Thái, TP Huế.

Có thể nhận thấy rằng, bảo tàng ngoài công lập ở Huế ra đời làm thay đổi nhận thức và cách thức hoạt động của loại hình bảo tàng; hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch vụ và cạnh tranh thu hút khách tham quan; sự góp mặt của các bảo tàng ngoài công lập còn mở ra xu thế mới cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng; tạo được nhiều việc làm, đồng thời tạo thêm điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các bảo tàng ngoài công lập gặp một số khó khăn, hạn chế như: thường mang tính chất trưng bày cố định, ít tổ chức các triển lãm chuyên đề, chưa thường xuyên tiến hành các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trưng bày, vì vậy, chưa thu hút được số lượng lớn lượt khách đến tham quan các bảo tàng.

Mặt khác, cơ chế, chính sách ưu đãi cho loại hình bảo tàng ngoài công lập chưa cụ thể; các bảo tàng ngoài công lập gặp khó khăn về kinh nghiệm, phương thức, kinh phí hoạt động, sự hỗ trợ trang thiết bị chuyên ngành; hiện vật chưa phong phú, cán bộ chuyên môn chưa đồng đều, công tác truyền thông giáo dục chưa được chú trọng; sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập với bảo tàng công lập chưa chặt chẽ, các khâu nghiệp vụ của bảo tàng chưa thực hiện thường xuyên.

Từ tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở VHTT chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng "Đề án cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân trên địa bàn tỉnh". Sau rất nhiều lần bàn thảo, thẩm định và chỉnh sửa, đề án đã được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp 11 diễn ra đầu tháng 12/2020 và được các đại biểu thống nhất thông qua.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh bao gồm: Hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Thừa Thiên-Huế chính là việc làm thiết thực, cụ thể để làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×