Thừa Thiên Huế: Dự án bảo tồn, tu bổ điện Thái Hòa “về đích” sớm
21/08/2024 | 14:46Điện Thái Hòa, công trình di tích quan trọng bậc nhất tại khu di sản Hoàng cung Huế đang được đẩy nhanh tiến độ trùng tu, đảm bảo các yêu cầu về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Dự kiến, tháng 11.2024 di tích này sẽ mở cửa đón khách tham quan trở lại, sớm hơn kế hoạch 12 tháng.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, nhiều nghệ nhân, nhân công đang tích cực thi công ở khu vực di tích điện Thái Hòa (Đại Nội Huế). Các hạng mục ngoại thất của di tích đã được hoàn thiện. Bên trong di tích, nhiều thợ thủ công lành nghề đang thi công làm sạch và sơn phủ cho các cấu kiện gỗ. Tại khu vực chánh điện, các nghệ nhân cũng đang miệt mài sơn son thếp vàng trên liên ba, đố bản; những tác phẩm thơ chữ Hán, hình ảnh trang trí đã được thếp vàng như từng được thi công trong lịch sử… Hình dáng uy nghi, bề thế vốn có của di tích điện Thái Hòa đã hiện rõ. Đây là điểm đến mong chờ của đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan khu di sản Hoàng cung Huế.
Trước thời điểm trùng tu, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đơn vị quản lý di tích đã thực hiện giằng chống để bảo vệ công trình. Tuy nhiên, qua thời gian dài và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, nhiều hạng mục của di tích điện Thái Hòa càng đối diện với nguy cơ sụp đổ, đe dọa đến an toàn và biến dạng công trình cũng như nguy cơ mất an toàn đối với khách tham quan. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với tổng mức kinh phí gần 129 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 11.2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8.2025. Cùng với sự nỗ lực của các bên liên quan, hiện nay dự án đã đạt hơn 80% khối lượng, và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11 tới, vượt tiến độ 9 tháng.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Điện Thái Hòa là di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng và có giá trị kiến trúc, nghệ thuật nổi bật trong hệ thống công trình di tích từ thời triều Nguyễn. Di tích này nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng du khách nên công tác trùng tu được giám sát chặt chẽ, đảm bảo các quy định về bảo tồn. Hiện nay, các đơn vị triển khai dự án đang nỗ lực hoàn thành sớm tiến độ để mở cửa đón khách tham quan. Đơn vị đã lên kế hoạch sẽ đón khách tham quan điện Thái Hòa vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11). Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong quá trình trùng tu, bảo vật quốc gia Ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau khi dự án hoàn thành, ngai vàng sẽ được di chuyển trở lại vị trí ở điện Thái Hòa. Nhiều du khách trong nước và quốc tế rất trong chờ tham quan điện Thái Hòa sau trùng tu. Cùng với đó, dự kiến dịp cuối năm 2024, Trung tâm sẽ tiến hành trùng tu điện Cần Chánh (nằm phía Bắc của điện Thái Hòa), cũng là một di tích rất quan trọng ở khu di sản Hoàng cung Huế.
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế thông tin, khi triển khai dự án tu bổ điện Thái Hòa, đơn vị đã tập trung nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ trong công tác bảo tồn di sản. Đây là một trong những công trình có quy mô ở khu di sản Huế, cũng là ngôi điện duy nhất còn lại ở Việt Nam. Hiện nay, công ty tập trung lực lượng hoàn thiện các yếu tố nội thất và không gian sân Đại Triều Nghi (phía trước điện Thái Hòa). Mỗi ngày các nghệ nhân và thợ phải tăng cường làm hai ca, đảm bảo các yêu cầu về bảo tồn di sản. Đồng thời, trong quá trình trùng tu, qua nghiên cứu các tư liệu, hình ảnh, đơn vị cũng đã trả lại nguyên trạng cảnh quan ở khu vực sân, đường đi ở hai phía chái Đông, chái Tây của ngôi điện; dẹp bỏ các khu vực trồng hoa cỏ ở sân Đại Triều Nghi và lát lại đá thanh, gạch Bát Tràng như vốn có… Sau khi hoàn thiện, di tích điện Thái Hòa trở nên uy nghi giữa không gian cảnh quan thoáng rộng như từng có trong lịch sử.
Được biết, trước khi hạ giải công trình, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã thực hiện scan 3D, dựng lại điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu. Đồng thời, quá trình trùng tu, các đơn vị cũng dựng phim và số hóa để lưu giữ tư liệu cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai.