Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thư viện thời chuyển đổi số

04/11/2020 | 17:45

Đọc sách không chỉ phục vụ học tập, nâng cao kiến thức mà còn là nét văn hóa của người Việt. Với thời chuyển đổi số, hoạt động thư viện (TV) của Bảo tàng - TV tỉnh Long An luôn tạo điều kiện tối đa nhất có thể cho bạn đọc thông qua TV điện tử tỉnh và tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm quảng bá nhiều sách hay đến bạn đọc. Qua đó, độc giả có thể tiếp cận sách nhanh, thuận tiện hơn và hứng thú hơn với việc đọc sách.

Thư viện thời chuyển đổi số - Ảnh 1.

Trang Thư viện điện tử tỉnh

Thư viện điện tử

Ngoài đọc sách tại chỗ, mượn sách, TV thuộc Bảo tàng - TV tỉnh còn có thêm TV điện tử tỉnh. Đây là một cải tiến quan trọng, mang tính đột phá trong hoạt động TV của Bảo tàng - TV tỉnh. TV điện tử cũng là nhu cầu và xu thế mới trong thời chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động TV và tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả tiếp cận tài liệu, sách, luận văn,...

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2020, TV điện tử tỉnh dần trở thành địa chỉ tin cậy và tiện lợi cho nhiều bạn đọc, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên. Bạn đọc có thể đăng ký thẻ TV trực tuyến, kiểm tra, lựa chọn sách trước khi đến TV và đọc trực tuyến những cuốn sách có sẵn trên TV điện tử tỉnh.

Nguyễn Đoàn Ngọc Uyển - học sinh Trường Cao đẳng Long An, chia sẻ: “Thích đọc sách nhưng đọc hết 1 cuốn sách khá lâu nên em ít đến TV đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Em thường lựa chọn giải pháp mua sách. Tuy nhiên, nhiều sách khá đắt và không cần thiết phải mua. Được người quen giới thiệu về TV điện tử của tỉnh, em rất hào hứng. Em đọc được kha khá sách thuộc lĩnh vực lịch sử và tìm hiểu qua về Địa chí Long An”.

Hiện TV điện tử tỉnh có 155 bản sách điện tử, 156 bản số hóa tài liệu và hơn 83.400 biểu ghi. Trong đó, các thể loại sách điện tử gồm: Văn học, sức khỏe và cuộc sống, lịch sử truyền thống - chính trị, ngoại ngữ,... Trên trang chủ, TV điện tử tỉnh có mục giới thiệu sách hay để bạn đọc có thêm gợi ý lựa chọn sách phù hợp; đồng thời, đăng tải những tin tức, sự kiện nổi bật, hoạt động đọc sách phục vụ bạn đọc,...

Phó Giám đốc Bảo tàng - TV tỉnh - Lê Việt Hùng cho biết: “TV điện tử tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện và cập nhật nhiều sách mới, đặc biệt là tăng cường số hóa tài liệu có sẵn của TV lên TV điện tử tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho bạn đọc. Hiện mỗi ngày, TV điện tử thu hút khoảng 100 lượt truy cập. Hướng tới, chúng tôi đề ra mục tiêu liên kết với các TV điện tử khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của TV điện tử và xây dựng văn hóa đọc cho tỉnh nhà ngày càng mạnh hơn”.

Quảng bá sách thông qua nhiều hoạt động 

Không chỉ duy trì trưng bày, giới thiệu sách hàng tháng tại TV và các địa điểm tổ chức hoạt động tuyên truyền về sách, năm 2020, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Đối tượng tham gia là học sinh từ lớp 1 đến 12 trên địa bàn tỉnh. Tham gia cuộc thi, các em chia sẻ cuốn sách mà mình yêu thích hoặc cuốn sách làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của bản thân hoặc có thể sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách hay viết tiếp cho một câu chuyện, cuốn sách mà các em tâm đắc; đồng thời, nói lên kế hoạch và biện pháp khuyến khích mọi người đọc nhiều sách hơn.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trở thành sân chơi bổ ích và tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều học sinh phát huy khả năng, sở thích đọc sách, viết văn. Nhiều bài viết hay, cảm động và thể hiện được suy nghĩ của thế hệ trẻ, đặc biệt là các giải pháp độc đáo nhằm thu hút mọi người đọc sách. “Không phải lúc nào ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình. Nhưng ta luôn có thể xây dựng tuổi trẻ cho tương lai mai sau”. Đó là lời mở đầu bài dự thi của Lê Ngọc Kiều Long - học sinh Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa). Long chia sẻ về cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Đây là cuốn sách làm thay đổi nhận thức của em đối với thế giới xung quanh. Thông qua sách, Long tìm thấy những kinh nghiệm thực tế về sự học và tìm hiểu, đam mê, trải nghiệm thế giới, những cách thức cụ thể để thay đổi và tỏa sáng. Từ đó, Long biết quý trọng và tận dụng tốt thời gian của tuổi trẻ hơn thay vì để thời gian trôi qua vô nghĩa.

Còn Huỳnh Ngọc Hân - học sinh Trường THPT Chuyên Long An, đưa ra quan điểm: “Mọi người không đọc sách hoặc ít đọc sách bởi chưa biết tầm quan trọng của đọc sách và chưa có thói quen đọc sách. Do đó, muốn phát triển văn hóa đọc, cần giúp mọi người hiểu giá trị của sách, khơi gợi niềm đam mê đọc sách, từ đó hình thành thói quen đọc sách theo từng bước nhỏ”.

Thông qua cuộc thi, lứa tuổi thanh, thiếu nhi được khơi gợi niềm đam mê đọc sách và lan tỏa niềm đam mê ấy đến các bạn cùng trang lứa. Cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, từ đó phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giúp nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Hiểu được giá trị của sách, ham thích đọc sách và có nhiều điều kiện tiếp cận sách, đặc biệt là sách điện tử, độc giả hứng thú hơn với việc đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn tỉnh./.


Theo Báo Long An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×