Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thư viện Quốc gia Việt Nam: Nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai

20/11/2017 | 11:24

Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh, tiếp tục đạt được những thành tích vẻ vang trên con đường đi tới tương lai, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của tất cả những người làm công tác thư viện ở Việt Nam, với nhiều thế hệ bạn đọc đã từng biết đến và yên mến Thư viện Quốc gia Việt Nam.


Mốc ra đời của Thư viện Trung ương Hà Nội (tiền thân của Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay) thuộc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương là ngày 29 tháng 11 năm 1917, cách đây vừa tròn 100 năm, cùng năm - tháng với một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại trên thế giới, đó là Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (7/11/1917).

Một thế kỷ tồn tại, phát triển và trưởng thành của một thư viện lớn nhất đất nước, trải qua bao bước thăng trầm và biến thiên của lịch sử nước nhà, trải qua các chế độ chính trị khác nhau, trải qua nhiều lần được thay đổi tên gọi; song có thể khẳng định rằng: Thư viện Quốc gia Việt Nam đã và luôn hoàn thành trọng trách và sứ mệnh lịch sử của mình – đặc biệt là trong hơn bẩy thập kỷ dưới chế độ XHCN Việt Nam.
 


Bạn đọc đến tham dự Ngày hội sách tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (năm 2016)
 



Ban đầu, khi mới thành lập, Thư viện Trung ương Đông Dương chỉ có vốn sách ít ỏi - chừng 5.000 cuốn - chủ yếu là sách bằng tiếng Pháp và một số ít bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Qua nhiều năm tháng hoạt động, kho sách của thư viện lớn dần, đến  thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1953), kho sách của thư viện này đã lên tới mấy chục vạn cuốn. Đến năm 1954, trước khi rút chạy khỏi miền Bắc, thực dân Pháp đã có ý định chuyển toàn bộ kho sách của thư viện này vào Nam, nhưng mới chỉ kịp chuyển gần 1.000 hòm sách (với vài chục ngàn cuốn). Khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, kho sách của thư viện chỉ còn lại khoảng 18 vạn cuốn với cơ sở vật chất khá nghèo nàn, đội ngũ công chức, viên chức thư viện rất ít ỏi, phục vụ một số lượng người đọc rất hạn chế.

Từ năm 1954 đến nay, được sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Chính phủ, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao cho là thư viện đầu ngành của hệ thống thư viện công cộng Việt Nam, là thư viện trung tâm của cả nước.

* Nhìn nhận về góc độ văn hoá: Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển nền văn hoá của nước nhà. Trước đây, với nhiệm vụ đặc biệt là thu nhận lưu chiểu văn hoá phẩm trên toàn quốc (trước năm 1945 là trên toàn cõi Đông Dương), mấy thập kỷ qua, Thư viện Quốc gia đã tiến hành thu thập, tổ chức, tàng trữ và bảo quản được một kho tàng ấn phẩm rất đồ sộ và phong phú với khoảng gần 2,5 triệu đơn vị tư liệu và 5 triệu trang tư liệu đã được số hóa (Trong vốn di sản văn hiến to lớn đó, có sự góp mặt của các bộ sưu tập tư liệu quý giá từ thế kỷ 17 đến nay, như: 5.280 bản Hán Nôm viết tay; 68.500 đơn vị tư liệu Đông Dương, trong đó có 1.700 tên báo-tạp chí...). Bên cạnh đó, Thư viện Quốc gia còn đang lưu giữ  21.300 luận án tiến sĩ của người Việt Nam bảo vệ trong nước và nước ngoài, 680.000 đơn vị tư liệu tương đương gần 1.580.000 bản (bao gồm: sách, báo, tạp chí, các bản mô tả, tranh, nhạc, bản đồ và nhiều loại ấn phẩm đặc biệt khác); gần 500.000 đơn vị tư liệu nước ngoài thông qua trao đổi, nhận biếu tặng từ các thư viện, các cơ quan thông tin, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và ở Việt Nam; gần 9.000 tên báo, tạp chí trong nước và nước ngoài và 10.000 tên sách xuất bản ở Việt Nam trước năm 1954 do TVQG Pháp trao tặng dưới dạng microfilm, microfiche. Sách báo, tài liệu truyền thống cũng như hiện đại (ở tất cả các kho tư liệu của Thư viện Quốc gia) đang hàng ngày, hàng giờ được bạn đọc trong và ngoài nước khai thác có hiệu quả, nhằm phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và giải trí, phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước, phục vụ cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, xã hội của nước nhà.
 


Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ
thăm quan Triển lãm tư liệu nhân Ngày hội sách tại Thư viện Quốc gia VN (năm 2015)
                                                            Ảnh Hùng Mạnh
 



* Xét trên bình diện văn hoá đọc và từ góc độ của độc giả: Ngay từ những ngày đầu tiên tổ chức phục vụ người đọc (1919) cho đến nay, đã có biết bao thế hệ độc giả người Việt Nam và người nước ngoài đến đây để đọc, sưu tầm và tra cứu tài liệu, không chỉ bởi lẽ, nơi đây có một “gia tài” tri thức phong phú và đồ sộ nhất nước, bao gồm nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau: từ khoa học xã hội tới khoa học tự nhiên và nhiều khoa học liên ngành khác, từ sách phổ thông tới các sách chuyên khảo; kể cả các thư tiếng thông dụng trên thế giới: Anh, Pháp, Nga, Hoa, Latinh ... mà còn bởi lẽ nơi đây có một cảnh quan tươi đẹp, không gian yên tĩnh, thoáng đãng - một “môi trường đọc” thuận tiện và lý tưởng (kể cả kho tự chọn-kho mở) cho văn hoá đọc của chúng ta. Không chỉ có vậy, từ năm 2002 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL); Thư viện Quốc gia đã duy trì & tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc với nhiều cách làm phong phú, đổi mới và hiệu quả, thu hút hàng ngàn độc giả (thiếu nhi và người lớn) tới dự, để góp phần tôn vinh văn hóa đọc ở nước ta. Đồng thời thư viện cũng thường xuyên duy trì các triển lãm-trưng bày, giới thiệu sách (nhân các sự kiện chính trị- xã hội của đất nước, của ngành văn hóa và các giao lưu văn hóa với nước ngoài). Nhiều thế hệ bạn đọc ở Việt Nam chắc chắn không thể nào quên những thế hệ thủ thư, cán bộ thư viện nơi đây đã rất tận tình, giúp đỡ độc giả, làm “nhịp cầu” thân thiết và gần gũi, kết nối giữa họ với kho tàng tri thức của nhân loại. Không còn nghi ngờ gì nữa: Những chỉ số ngày càng tăng ở Thư viện Quốc gia mấy thập kỷ qua (về số thẻ đọc, lượt bạn đọc, lượt truy cập sách báo, lượt sách báo luân chuyển, số phòng phục vụ...) đã nói lên một sự thực, một chân lý: Văn hoá đọc ở nước ta vẫn đang được duy trì và không ngừng phát triển, bất chấp sự lấn át của văn hoá nghe nghìn và các phương tiện truyền thông đại chúng.

* Nhìn từ góc độ chuyên môn thư viện: Có thể nói tròn một thế kỷ qua, Thư viện Quốc gia đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ đầu tàu của hệ thống thư viện công cộng Việt Nam và đang thực hiện có hiệu quả vai trò của một thư viện trung tâm của cả nước. Là trung tâm hợp tác và phối hợp hoạt động giữa các thư viện trong nước, Thư viện Quốc gia Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với 63 thư viện tỉnh, thành phố, hàng trăm thư viện cấp huyện và rất nhiều thư viện chuyên ngành và đa ngành lớn ở Việt Nam. Để hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thư viện công cộng và các hệ thống thư viện khác, hàng năm Thư viện Quốc gia Việt Nam đã biên soạn các tài liệu nghiệp vụ, các bản thư mục Quốc gia, thư mục chuyên đề, xuất bản tạp chí chuyên ngành, tổ chức / và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hội thi trong nước, tham dự nhiều hội thảo khoa học (về thư viện) của khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề, tăng cường nguồn lực cho các hệ thống thư viện, hàng năm Thư viện Quốc gia đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhiều cán bộ thư viện ở Việt Nam.
 


Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tham dự Ngày sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (tháng 4 năm 2016) và tham quan gian trưng bày tư liệu.
 



Đặc biệt, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, đã từ lâu Thư viện Quốc gia đã trở thành một “cầu nối” quan trọng và cần thiết, nhằm liên kết hoạt động, chia sẻ thông tin, trao đổi các ấn phẩm, kinh nghiệm công tác và giao lưu văn hoá với khoảng 150 thư viện, trung tâm thông tin- thư viện của hơn 40 nước trên thế giới. Chính nhờ có Thư viện Quốc gia mà nhiều năm qua, hàng chục dự án, nhiều máy móc, trang thiết bị thư viện (trị giá hàng triệu USD), và các ấn phẩm của nhiều nước trên thế giới đã được gửi tặng cho các thư viện ở Việt Nam. Và thông qua Thư viện Quốc gia, nhiều ấn phẩm, sách báo, tài liệu của Việt Nam cũng được gửi ra thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam, về các thư viện ở Việt Nam ....Thư viện Quốc gia Việt Nam còn là thành viên của Hiệp hội Thư viện quốc tế (IFLA) từ năm 2000 và là thành viên của Ban điều hành Đại hội cán bộ Thư viện Đông nam Á (CONSAL) năm 2007-2009 (năm 2008 Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đang cai tổ chức thành công CONSAL lần thứ XIV).

Là một trong những thư viện đi đầu cả nước trong việc ứng dụng CNTT vào thư viện ngay từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, đến nay Thư viện Quốc gia đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số vấn đề trong lĩnh vực này: Triển khai các dự án CNTT, hỗ trợ cho 63 thư viện tỉnh, thành phố (nguồn kinh phí của Bộ VHTTDL), đã đào tạo và chuyển giao công nghệ hàng chục lớp học máy tính cho hàng trăm cán bộ thư viện ở khắp các tỉnh, thành phố và nhiều trung tâm thông tin - thư viện lớn trong cả nước, thiết lập được nhiều CSDL điện tử (CSDL thư mục với 660.000 biểu ghi và CSDL toàn văn (Bộ sưu tập số) gồm 7 CSDL toàn văn: Luận án tiến sĩ; Sách về Đông Dương (thời Pháp thuộc); Sách Hán-Nôm; Báo-Tạp chí; Vi phim-vi phiếu, băng đĩa CD với gần 5 triệu trang tài liệu; mỗi năm phục vụ hàng vạn, hàng triệu lượt độc giả. Đồng thời, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thiết lập mạng WAN nối mạng với tất cả các thư viện tỉnh, thành phố trong nước để chia sẻ dữ liệu, chia sẻ nguồn lực, khai thác thông tin phục vụ độc giả của thư viện.... Hiện nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đang tích cực triển khai số hoá các tài liệu, ứng dụng CNTT, hiện đại hoá các khâu tác nghiệp thư viện và đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, nhằm từng bước xây dựng một thư viện điện tử, thư viện số; tạo thế đứng vững chắc trong các thư viện ở Việt Nam.

100 năm qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những cống hiến nhất định cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học của nước nhà. Những cống hiến to lớn đó đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận bằng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba, Huân chương Độc Lập Hạng nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba; nhiều năm liền Thư viện Quốc gia được nhận Cờ Thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ VHTT và Bộ VHTTDL. Để tiếp bước truyền thống vẻ vang ấy, nhằm  xây dựng “thương hiệu Thư viện Quốc gia” trong thế kỷ 21, xứng đáng với niềm tin yêu của biết bao thế hệ bạn đọc, của đông đảo đồng nghiệp thư viện trong cả nước; Đảng bộ, Ban Lãnh đạo và gần 200 các bộ, công chức, viên chức, người lao động Thư viện Quốc gia Việt Nam, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng để đưa Thư viện quốc gia Việt Nam-“ngôi đền tri thức”- trở thành nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong, ngoài nước, có uy tín và vị thế xứng đáng trong cộng đồng thư viện Việt Nam, khu vực, thế giới. Để hoàn thành tốt  mục tiêu này, Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tốt 6 nội dung quan trọng (định hướng phát triển) sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác thu thập, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa chữ viết và xây dựng Bảo tàng tư liêu Việt Nam (trên các chất liệu: đất nung, đá, gốm, sứ, lá, gỗ, tre, nứa, giấy, đồng... ).

Thứ hai: Tiếp tục làm tốt công tác bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, giáo dục phẩm chất nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc cho mỗi viên chức và người lao động.

Thứ ba: Phát triển theo hướng xây dựng thư viện truyền thống - thư viện hiện đại - thư viện số, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu giữ, khai thác tài nguyên thông tin là xu hướng quan trọng để phát triển, tiến tới hình thành mạng lưới thư viện truyền thống – thư viện hiện đại – thư viện số rộng khắp trong cả nước.

Thứ tư: Xây dựng môi trường đọc thân thiện, sáng tạo, tạo môi trường học, đọc suốt đời cho mọi người dân. Hướng tới mục tiêu chung “Tất cả vì bạn đọc” bằng nhiều phương thức phục vụ, như đọc tại trụ sở thư viện, đọc trên mạng thông qua website của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Thứ năm: Phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, với cộng đồng Thư viện, Thông tin trong nước và quốc tế để thực hiện tốt mục tiêu Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập nâng cao chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ sáu: Mở rộng hợp tác quốc tế trong việc trao đổi tài liệu, kinh nghiệm tổ chức và quản lý thư viện hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại “kinh tế tri thức” hay “tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Hành trình đi tới tương lai, hành trình để góp phần “xây dựng nền văn hóa, con người việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhằm xây dựng một “thương hiệu” của Thư Viện Quốc gia Việt Nam trong thế kỷ 21 là một chặng đường còn nhiều thử thách và gian nan. Song trải qua 100 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là hai phần ba thế kỷ dưới chế độ XHCN, được sự quan tâm và đầu tư to lớn của Đảng và Chính phủ, trực tiếp là của Bộ VHTTDL, với bề dày truyền thống của mình, chúng ta có cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng: Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ không ngừng lớn mạnh, tiếp tục đạt được những thành tích vẻ vang trên con đường đi tới tương lai, xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của tất cả những người làm công tác thư viện ở Việt Nam, với nhiều thế hệ bạn đọc đã từng biết đến và yên mến Thư viện Quốc gia Việt Nam./.

Ths.Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

 

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×