Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh: Công tác số hóa tài liệu đạt nhiều kết quả nổi bật
24/07/2025 | 15:35Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các thư viện không chỉ là nơi lưu trữ tri thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa và cung cấp thông tin một cách hiện đại, thuận tiện. Trong đó, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ số để bảo quản, khai thác và phát huy giá trị của kho tư liệu quý giá mà mình đang sở hữu.
Với tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư nghiêm túc và nỗ lực bền bỉ qua nhiều năm, công tác số hóa tài liệu tại thư viện đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho cộng đồng nghiên cứu và người dùng thông tin cả nước. Thư viện đã bắt đầu chương trình số hóa tài liệu từ năm 1998 (thí điểm), đến nay Thư viện đã thành lập 01 bộ phận Chuyển dạng tài liệu (năm 2013) (trực thuộc phòng Kỹ thuật công nghệ).
Trong những năm gần đây, Thư viện xác định số hóa tài liệu là một trong những công tác trọng tâm trong kế hoạch từng năm. Theo đó, thực hiện theo kế hoạch năm, Thư viện đã số và xử lý hoàn tất khoảng 250.000 đến 300.000 trang tài liệu, được chọn trong vốn tài liệu quý hiếm của thư viện; thực hiện các bộ sưu tập số, thư mục tóm tắt, thư mục toàn văn dạng số; số hóa (bằng việc thu âm sách nói) phục vụ người khiếm thị, khoảng 3.000 trang/năm.

Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh xác định số hóa tài liệu là một trong những công tác trọng tâm
Bên cạnh các dự án trọng điểm, Thư viện thường xuyên thực hiện các bộ sưu tập số với các nhà nghiên cứu, đơn vị khi được phép, như: Bộ sưu tập số về nông nghiệp phục vụ Chương trình Nông thôn mới: thực hiện số hóa tài liệu về nông nghiệp tại Viện Cây Ăn quả miền Nam và Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (Ô Môn); Số hóa kho tài liệu về nghiên cứu âm nhạc dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê (dạng phim analog sang digital) - đây là vốn tài liệu quý giá về âm nhạc dân tộc; Số hóa bộ Bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu(177 bản đồ gồm nhiều khổ từ A3 à A0); Số hóa tư liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ (do gia đình cung cấp).
Ngoài ra, từ năm 2006, bắt đầu triển khai dự án VALEASE - Dự án Thư viện điện tử Bibliotheca Vietnamica nằm trong khuôn khổ Dự án Phát huy mạng lưới phát hành sách và thư viện tại Đông Nam Á của Quỹ đoàn kết (FSPVALEASE), do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp thực hiện với nhiều thư viện tại Việt nam. Mục đích của dự án số hóa kho tài liệu Pháp ngữ cổ của thư viện là bảo quản di sản quốc gia, đông thời là di sản thế giới, tránh những tác nhân gây hại và tăng cường khả năng sử dụng thông qua nội dung số. Thư viện Khoa học Tổng hợp cùng Thư viện Quốc Gia và một số thư viện có lưu trữ nhiều tài liệu cổ bằng tiếng Pháp được tham gia. Trong khuôn khổ dự án này, Thư viện được số hóa 540.000 trang tài liệu quý hiếm được chọn lựa cẩn thận về nội dung thuộc kho Đông Dương.
Từ năm 2019 – 2022, thực hiện dự án: "Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh". Dự án ưu tiên số hóa tài liệu quý hiếm, tài liệu hạn chế, tài liệu sắp hư hỏng có giá trị nghiên cứu, tài liệu độc bản do thư viện sở hữu. Kết quả dự án số hóa và tạo cơ sở dữ liệu cho hơn 4 triệu trang tài liệu quý hiếm hiện có tại Thư viện. Tài liệu được chọn bao gồm sách quý hiếm kho Đông Dương; Báo/ tạp chí Đông dương; Báo/ tạp chí việt; Tài liệu về âm nhạc; hầu hết tài liệu được xuất bản trên 50 năm.

Bên cạnh các dự án trọng điểm, thư viện thường xuyên thực hiện các bộ sưu tập số với các nhà nghiên cứu
Đặc biệt, trước nguy cơ thất thoát, hư hỏng dần các tài liệu Hán - Nôm, di sản văn hóa vô giá của dân tộc, từ nhiều năm qua cùng với các cơ quan thông tin lưu trữ trong cả nước, Thư viện đã phối hợp với các nhà nghiên cứu, cá nhân và các đơn vị tiến hành các hoạt động đa dạng trong việc sưu tầm, phục chế, số hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dạng tài liệu quý hiếm này.
Kết quả, từ năm 2009 đến nay, chương trình sưu tầm số hóa tài liệu Hán - Nôm được mở rộng đến các tỉnh Bắc Miền Trung và các tỉnh miền Tây như: Sưu tầm và số hóa tài liệu Hán Nôm/ quý hiếm: Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hưng Yên, kết quả số hóa được khoảng 847.878 trang tài liệu Hán Nôm/ quý hiếm. Sưu tầm và số hóa tài liệu Văn hóa Chăm: Ninh Thuận với khoảng16.427 trang.
Bên cạnh công tác số hóa, Thư viện Khoa học Tổng hợp còn tổ chức tập huấn kiến thức về bảo quản phục chế cho nhân viên thư viện các tỉnh; trực tiếp phục chế các tài liệu quý hiếm cho người dân.
Qua đó, nhờ chiến lược rõ ràng, sự đầu tư bài bản và những nỗ lực không ngừng nghỉ, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Không chỉ giúp lưu trữ và bảo quản hiệu quả các nguồn tư liệu quý hiếm, công tác số hóa còn giúp Thư viện hiện đại hóa quy trình phục vụ, giảm thiểu chi phí lưu trữ và bảo quản tài liệu giấy, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận tri thức cho mọi tầng lớp nhân dân../.