Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thư viện của những người vượt lên số phận

24/06/2019 | 15:43

Mang những cái tên như: Hy Vọng, Ước Mơ, Niềm Tin, Ánh Sáng... các thư viện do người khuyết tật thành lập thời gian qua ở các địa phương không chỉ giúp họ vượt qua mặc cảm và hòa nhập cộng đồng mà còn truyền cảm hứng cho những người bình thường lan tỏa niềm yêu thích sách trong cộng đồng. Trong đó, phải kể đến nỗ lực của chàng trai trẻ khuyết tật Đỗ Hà Cừ.

Thư viện của những người vượt lên số phận - Ảnh 1.

Không gian đọc Niềm Tin thu hút đông đảo bạn đọc tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng (Thái Bình).

Sáng lập không gian đọc sách Hy Vọng tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình với khoảng 4.000 đầu sách, sáu trăm thẻ bạn đọc thường xuyên, số lượt mượn lên tới hơn 6.000 lượt mỗi năm... là chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ, sinh năm 1984 ở Thái Bình. Bị liệt toàn thân bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố, Cừ không thể đến trường. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình và những nỗ lực, kiên trì của bản thân, Cừ chăm chỉ học đọc mỗi ngày. Dần dần, anh đã có thể sử dụng máy vi tính cho dù chỉ với một ngón tay. Say mê sách, Cừ coi sách như những người bạn thân thiết của mình. Gia đình đi thuê, mượn sách về cho Cừ đọc, nhưng mượn mãi rồi cũng không đủ đối với sự ham đọc của anh, Cừ tự vào in-tơ-nét, tham gia cộng đồng mạng để tìm sách và tìm những người bạn cùng sở thích, chia sẻ với nhau về sách. Từ niềm ham mê đọc sách, Cừ tìm hiểu và được nhiều thành viên ở các thư viện tư vấn, giúp đỡ mở không gian đọc sách Hy Vọng vào năm 2015. Thời gian đầu thành lập, thư viện Hy Vọng chỉ có khoảng 300 đầu sách, phần lớn là sách của gia đình. Vượt qua nhiều khó khăn, với sự hỗ trợ không mệt mỏi của mẹ anh là bà Nguyễn Thị Kim Sơn, không gian đọc Hy Vọng trở thành một thư viện, điểm đến quen thuộc của nhiều người yêu sách ở Thái Bình. Sau gần bốn năm, đến nay lượng bạn đọc đến với Hy Vọng ngày càng đông, phục vụ tất cả các ngày trong tuần và không ngừng nâng cao hiệu quả phục vụ bạn đọc.

Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thư viện sách Hy Vọng và nỗ lực vượt lên hoàn cảnh cùng niềm đam mê sách của Đỗ Hà Cừ ngày càng được nhiều người biết và tìm đến. Chàng trai khuyết tật với chiếc xe lăn, không có khả năng vận động đã trở thành tấm gương truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người cùng cảnh ngộ. Họ được tiếp sức và truyền động lực, niềm tin vào cuộc sống. Nhiều người trước đây là bạn đọc của Hy Vọng đã trở thành người sáng lập ra các không gian đọc sách mới như: Nguyễn Lan Hương, quản lý không gian đọc Niềm Tin (thôn Phong Lôi Tây, xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, Thái Bình), mang tri thức phục vụ cộng đồng. Không những vậy, Đỗ Hà Cừ còn mong muốn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh tìm thấy ý nghĩa và ổn định cuộc sống. Bằng kinh nghiệm vận động quyên góp sách và các mối quan hệ của mình, anh đã viết thư và đăng bài trên các trang mạng xã hội, gửi các nhà hảo tâm cùng những người tâm huyết giúp đỡ mình và các bạn khuyết tật cả về vật chất và tinh thần. Với sự hỗ trợ của Cừ, cô gái khuyết tật Trần Thị Mượt cũng đã biến nguyện vọng mở không gian đọc phục vụ miễn phí thành sự thật. Không gian đọc Ước Mơ ở thôn Văn Quan, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình) được thành lập với gần 1.000 quyển sách, hoạt động hiệu quả, thu hút đông bạn đọc đến mượn và đọc sách, tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng, đồng thời giúp Mượt vượt qua mặc cảm bản thân, mang lại niềm vui cho nhiều người... Những việc làm ý nghĩa của Đỗ Hà Cừ đã có sức lan tỏa trong cộng đồng, giúp người khuyết tật cải thiện phần nào cuộc sống, nhiều không gian đọc ở các nơi đã đến tham quan mô hình và hoạt động của Hy Vọng, từ đó có nhiều sáng kiến đổi mới trong cách hoạt động, quản lý sách… Qua báo chí và cộng đồng mạng, câu chuyện về chàng trai khuyết tật Đỗ Hà Cừ ở Thái Bình đã lan tỏa đến nhiều địa phương, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Khuê thuê xe về tận Thái Bình để tham quan không gian đọc Hy Vọng, nhờ Cừ tư vấn, giúp đỡ, kết nối và thành lập không gian đọc Bồ Đề Tâm 1 và Bồ Đề Tâm 2 ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh góp phần phát triển văn hóa đọc nơi đây...

Người khuyết tật làm gì cũng khó, nhưng với niềm đam mê và với sự giúp đỡ của cộng đồng và các tình nguyện viên, họ đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Tuy vẫn gặp một số hạn chế về nhân lực, cách quản lý, cần được hướng dẫn, hỗ trợ về công tác bảo quản, sắp xếp sách, quản lý sách để phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn..., nhưng những không gian đọc như thế giúp họ hòa nhập cộng đồng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời góp phần không nhỏ trên hành trình mang tri thức đến mọi người.

Theo nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×