Thủ tướng: TPHCM cần tập trung phát triển công nghiệp văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch
28/11/2022 | 09:13Thủ tướng đề nghị TPHCM quan tâm phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế; phát triển công nghiệp văn hoá gắn với thúc đẩy du lịch.
Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.
Chính phủ luôn đồng hành cùng TPHCM để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đánh giá cao, biểu dương kết quả mà TPHCM đạt được thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, Thành phố đã chủ động, tích cực, năng động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó với các vấn đề mới nổi thuộc chức năng, thẩm quyền xử lý của TPHCM.
Thứ hai, Thành phố đã đoàn kết thống nhất, các cơ quan trong hệ thống chính trị "đúng vai, thuộc bài", chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Thứ 3, TPHCM đã chủ động huy động mọi nguồn lực xã hội, doanh nghiệp để phục vụ phát triển nhanh và bền vững.
Chia sẻ khó khăn với TPHCM, Thủ tướng cho rằng, với một thành phố lớn, dân số hơn 10 triệu người, có vị trí đặc biệt, thì khó có thể giải quyết hết các khó khăn. Bởi Thành phố phải phát triển ngang tầm vị trí, lo công ăn việc làm cho hơn 10 triệu người, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân với yêu cầu ngày càng cao về đời sống tinh thần và vật chất, phải bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội.
TPHCM phải góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình phát triển, Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh: Chính phủ luôn đồng hành cùng thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thúc đẩy du lịch
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được là đáng trân trọng, nhưng không được chủ quan, có tâm lý thỏa mãn và cũng không bi quan trước khó khăn. Tinh thần là phát huy tối đa thành tích đạt được, khắc phục bằng được hạn chế, bất cập, phấn đấu hoàn thành vượt mức 19 chỉ tiêu đã đề ra năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM rà soát lại các công việc từ nay đến cuối năm, chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2023, trong đó, cần tập trung vào 3 quy hoạch là quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế-xã hội và quy hoạch TP. Thủ Đức.
Nhấn mạnh việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng lưu ý giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu, chương trình phục hồi kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cho ý kiến đối với 5 dự án trọng điểm của TPHCM, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp xử lý các vấn đề còn lại của Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1, Tuyến metro số 2, Bộ Tài chính cùng Bộ KH&ĐT, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ giải quyết các vấn đề về thủ tục vay vốn.
Đối với dự án đường Vành đai 3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần bố trí đủ vốn cho TPHCM triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ.
Cơ bản đồng ý với kiến nghị của Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) về dự án cao tốc Bến Lức–Long Thành, Thủ tướng cho rằng, cần sớm hoàn thành dự án này để kết nối với đường vành đai 3 thành tuyến hoàn chỉnh, dứt khoát phải hoàn thành, thông xe vào năm 2025.
Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác xử lý các vấn đề của dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bảo đảm đúng tiến độ.
Đối với dự án Xây dựng đường cao tốc TPHCM–Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12/2022.
Thủ tướng cũng cho biết, các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ phối hợp với TPHCM trong việc sửa đổi Nghị quyết 54 về các cơ chế đặc thù cho Thành phố. Bộ KH&ĐT tập trung cao cho công việc này, tiếp thu toàn bộ ý kiến của TPHCM, đặc biệt là các chính sách thí điểm. Rà soát lại xem có nội dung gì có thể đưa vào nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Thủ tướng đề nghị TPHCM tập trung dành nguồn lực cho 3 động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
TPHCM cần đi đầu về đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành phối hợp với TPHCM xây dựng một hình mẫu vè đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp (như đề xuất của Bộ trưởng KH&CN).
TPHCM cũng cần tập trung vào các ngành nghề mới nổi, chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời phải làm tốt công tác an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với thúc đẩy du lịch.
Nhất trí cao với các kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng cho biết, đối với tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng, Thủ tướng đã thành lập 3 tổ công tác để xử lý các vấn đề trong các lĩnh vực này.
Thủ tướng nêu rõ, trong lúc khó khăn, Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người dân, bạn bè quốc tế đến TPHCM đầu tư cùng "mỗi người cố gắng một ít, chung tay góp sức, góp gió thành bão" để giúp TPHCM phát triển.
Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, trái phiếu… cũng tự tìm cách vượt qua khó khăn, người dân cũng cần chia sẻ một phần khó khăn, Nhà nước dùng các công cụ quản lý để chia sẻ khó khăn và cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, giải quyết với tinh thần chân thành, thiện chí, vì lợi ích chung.
Thủ tướng cũng cho ý kiến, giải đáp các kiến nghị của TPHCM về hạn mức tín dụng, có chính sách visa thông thoáng hơn, sửa quy định về điều hành xăng dầu, giá dịch vụ khám chữa bệnh...