Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn: “Cần có ngay Chương trình hành động cụ thể phát triển du lịch biển đảo Việt Nam”

16/04/2014 | 10:33

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2014 tại Kuching, Malaysia.

 Nội dung chính của Hội nghị liên quan đến triển khai Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015, trong đó có đề cập tới việc phát triển sản phẩm du lịch tàu biển. Về nội dung liên quan đến phát triển du lịch biển đảo Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi dưới đây với phóng viên Báo Văn Hóa.

Thưa ông, với trên 3.260 km bờ biển và hàng ngàn đảo lớn nhỏ, Việt Nam là một quốc gia có lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo, trong đó có du lịch, nhưng phải hiểu như thế nào về hiện tượng khách du lịch đến Việt Nam bằng tàu biển hằng năm chỉ chiếm từ 1-4% tổng lượng khách?

- Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn:
Có thể thấy từ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển.

Khai thác hệ thống đảo ven bờ phục vụ phát triển du lịch”, xác định các tuyến du lịch theo đường biển, các tuyến du lịch chuyên đề tàu biển, đến các Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt đã xác định tầm quan trọng, hướng đích, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch biển đảo, vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện, phối hợp, điều tiết liên ngành có hệ thống từ Trung ương, địa phương, trong đó Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch phải đóng vai trò then chốt - “nhạc trưởng”.

Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về thực trạng và tính liên kết, hệ thống trong việc phát triển du lịch biển đảo ở Việt Nam?


- Nhìn nhận thẳng thắn về hệ thống hạ tầng, đô thị biển, liên quan đến du lịch biển đảo còn mang tính địa phương cục bộ, thiếu liên kết hệ thống và chưa đáp ứng yêu cầu là bệ đỡ, bàn đạp để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Chúng ta có hàng chục cảng biển lớn, nhỏ trải dài trên hơn 3.260 km bờ biển, với 39 cụm cảng, cảng biển được quy hoạch, nhưng thực tế bến khách chuyên dụng đón khách du lịch quốc tế đếm trên đầu ngón tay với hạ tầng rất nghèo nàn, chung với hàng hoá, container, chưa có một cảng tàu du lịch chuyên dụng có quy mô khu vực.

Với trên 125 bãi biển thuận lợi trong khai thác du lịch, trong đó có trên 30 bãi biển đã được đầu tư khai thác…, nhưng dường như việc hoạch định quy hoạch phát triển du lịch, hạ tầng du lịch, xây dựng một khu du lịch, một bãi biển gắn liền với tính hệ thống, kết nối với các ngành dịch vụ, giao thông… kinh tế xã hội của địa phương, vùng gắn với cuộc sống của cộng đồng cư dân ven biển còn mang tính đơn ngành.

Với đa dạng sản phẩm du lịch tham quan kết hợp du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao… nhưng chúng ta lại chưa có những sản phẩm du lịch biển đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế. Sự na ná giống nhau, thiếu phân khúc sản phẩm, thị trường, thiếu sự điều tiết chung được nhận thấy rõ ràng trong dải du lịch biển miền Trung.

Vậy phải chăng du lịch tàu biển nói riêng và du lịch biển đảo có tính đặc thù?

- Đúng vậy, du lịch tàu biển được xem là nhóm sản phẩm du lịch rất đặc thù của du lịch biển. Tuy nhiên, loại sản phẩm này còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của du lịch biển Việt Nam. Nằm trên tuyến đường giữa 2 trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực là Singapore và Hồng Kông nhưng du lịch tàu biển của Việt Nam vẫn phát triển rất chậm, hằng năm lượng khách du lịch quốc tế đến bằng đường biển chiếm khoảng 1-4% tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Một số hãng tàu du lịch biển lớn cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do khu vực này vừa là điểm đến, vừa là thị trường khách du lịch tàu biển tiềm năng trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam đã đón tàu có sức chứa lớn hơn 3.000 khách (tàu Mariner of the Seas, tàu Voyager of the Seas), tuy nhiên với hệ thống cảng biển phục vụ khách du lịch tàu biển chưa đáp ứng yêu cầu và một số lý do khác về sản phẩm, quảng bá… theo nhận định của một số chuyên gia về du lịch: Việt Nam mới chỉ là một điểm cho tàu ghé qua chứ chưa phải là nơi đổ khách trong bản đồ du lịch tàu biển thế giới.

Với đặc thù bờ biển Việt Nam rất gần với các tuyến hàng hải quốc tế chính trên Biển Đông được xem là “hành lang” đường biển nhộn nhịp vào loại nhất trên thế giới sau Địa Trung Hải. Thời gian tới, với sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt sau khi kênh KRA (Thái Lan) nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được xây dựng, hoạt động vận chuyển đường biển, bao gồm cả hoạt động du lịch tàu biển quốc tế qua “mặt tiền” Việt Nam sẽ càng trở nên nhộn nhịp, đặc biệt sự tiếp cận với Phú Quốc sẽ là thời cơ lớn cho du lịch biển đảo, du lịch tàu biển đến Việt Nam. Mặt khác, với chiến lược phát triển du lịch theo chiều sâu, đối tượng khách du lịch quốc tế đến từ tàu biển có đặc tính rất phù hợp, là đối tượng khách mong muốn, tiềm năng của du lịch Việt Nam (thường cao tuổi, có quỹ thời gian, thích tìm hiểu văn hoá và phong cảnh tự nhiên, có mức chi tiêu cao…, số lượng khách đến một lần lớn, không phải chuẩn bị cơ sở lưu trú).

Để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam đúng định hướng, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Thứ trưởng, thời gian tới chúng ta cần tập trung triển khai các giải pháp gì ?


- Sau chiến lược, quy hoạch, đề án cần có ngay một Chương trình hành động cụ thể phát triển du lịch biển đảo Việt Nam, trong đó làm rõ các nhiệm vụ từ phát triển hạ tầng, sản phẩm, quảng bá, xúc tiến, nguồn lực, phân công, lộ trình. Với tính chất liên ngành của vấn đề, cần thiết có một Ban Điều phối phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.

 Điểm đột phá, cũng là điểm đầu tiên phải tập trung trong thời gian tới là hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển. Cần dành sự ưu tiên cần thiết và tập trung nguồn lực để xây dựng bến khách, bến tàu du lịch quốc tế có hạ tầng đồng bộ tích hợp đầy đủ các dịch vụ đạt tiêu chuẩn, tập trung 8 cảng bến đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, rà soát, kết nối hệ thống xúc tiến đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng du lịch, các khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn, phát triển nhanh du lịch ở Phú Quốc và Vân Đồn, sớm hình thành hai khu du lịch sinh thái biển đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới tạo sự bứt phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo Việt Nam với các dòng sản phẩm phù hợp, đặc biệt thiết kế sản phẩm phù hợp cho đối tượng khách du lịch quốc tế tàu biển - sản phẩm du lịch tàu biển.

Có chiến dịch quảng bá du lịch biển đảo Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, nâng cao hình ảnh quảng bá điểm đến, có chương trình dành riêng cho quảng bá du lịch tàu biển một cách tương xứng. Tập trung quảng bá thị trường nguồn ưu tiên của du lịch biển đảo phù hợp với các thị trường và đối tượng khách. Tăng cường hợp tác với các nước ASEAN: Singapore, Philippines… và một số quốc gia trong liên kết phát triển du lịch tàu biển.

Đồng thời chúng ta cần tập trung đào tạo nhân lực chuyên nghiệp du lịch biển đảo, có chương trình phù hợp cho nhóm đối tượng chuyên phục vụ du lịch biển, đảo, tăng cường hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho nhóm cộng đồng tham gia hoạt động du lịch gắn với biển đảo.

Tích cực bảo vệ môi trường biển đảo, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đại dương, sự sống gắn với đại dương và các điểm đến du lịch biển đảo của Việt Nam.

Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh, phát triển du lịch biển đảo đúng định hướng.

Nếu cần nói một cách ngắn gọn nhất về tương lai phát triển du lịch biển đảo của Việt Nam thì Thứ trưởng sẽ nói điều gì, thưa ông?


- Với vị trí địa văn hoá, địa kinh tế, địa chính trị, biển đã, đang và sẽ là “mặt tiền”, là “cửa ngõ lớn” của Việt Nam ra thế giới và thế giới vào Việt Nam. Với lịch sử hàng ngàn, hàng vạn năm sinh tồn với biển, sẵn trong mình văn hoá biển, hàng triệu trái tim thao thức cùng biển đảo quê hương, cùng hướng tình yêu, gắn sinh mạng của mình với biển đảo, trong giọng nói có tiếng của sóng biển, trong hơi thở còn vị mặn mòi của biển cả thân thương, du lịch Việt Nam đang hướng mặt ra biển đảo, tiềm năng đã có, hướng đích đã định, cơ hội sẽ tới, vấn đề còn lại là hành động, với vai trò cực kỳ quan trọng của Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×