Thông qua đạo luật bản quyền mới, EU quyết "dằn mặt" Facebook và Google?
28/03/2019 | 16:05Với những cải cách trong luật bản quyền, EU hy vọng sẽ giúp các nghệ sỹ và doanh nghiệp truyền thông bảo vệ nội dung và tác phẩm của mình.
Các nhà làm luật châu Âu mới đây đã thông qua các cải cách về quyền tác giả - được cho là sẽ có những ảnh hưởng đáng kể tới các hình mẫu kinh doanh của một số gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook.
Đạo luật mới hướng tới mục tiêu đưa các quy định về bản quyền của EU tiến vào thế kỷ 21 và giúp các nghệ sỹ, nhà xuất bản bảo vệ được những nội dung của mình - vốn đang bị phát tán một cách vô tổ chức trên internet.
EU vừa thông qua đạo luật cải cách về quyền tác giả (ảnh: getty)
Bắt đầu được đề cập từ năm 2016, các cải cách dự kiến từng làm nổ ra một cuộc tranh luận nóng, đẩy các tập đoàn lớn như Facebook, Google và Twitter… vào thế "đối đầu" với giới nghệ sỹ và doanh nghiệp truyền thông.
Google đặc biệt chỉ trích đạo luật được đánh giá là sẽ tác động tới các video chia sẻ trên Youtube hay nền tảng tin tức Google News của hãng. Sau khi Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật vào hôm thứ Ba (26/3), Google tuyên bố, mặc dù đã có một số cải thiện so với bản dự thảo, nhưng nó vẫn thể hiện sự thiếu chắc chắn pháp lý và sẽ gây tổn thương cho ngành công nghiệp sáng tạo.
Twitter cho hay, họ lo ngại về những phản ứng chia rẽ tiềm tàng của đạo luật đối với cộng đồng internet. "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nước thành viên EU và xã hội khi quá trình thực thi được tiến hành", đại diện của Twitter nói.
Còn Facebook từ chối đưa ra bình luận.
Một phần của đạo luật có thể dẫn tới việc triển khai một hệ thống lọc trước, trong đó cấm người sử dụng Internet chia sẻ các nội dung chứa dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả. Đạo luật cũng có thể sẽ yêu cầu các nền tảng tin tức như Google News phải thương lượng giấy phép thương mại với các nhà xuất bản trước khi đăng tải trích dẫn hoặc đường link tới các bài viết.
Theo Nghị viện châu Âu, đạo luật mới quy định, việc đăng tải tác phẩm lên các trang web bách khoa toàn thư một cách phi thương mại như Wikipedia hay nền tảng mã nguồn mở như GitHub – sẽ không bị ảnh hưởng. Các nền tảng start-up cũng sẽ ít chịu ràng buộc hơn các nền tảng đã hoạt động lâu dài.