Thông cáo báo chí Họp báo Năm Gia đình Việt Nam 2013
22/02/2014 | 16:23TW HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM B Ộ V Ă N H O Á , T H Ể T H A O V À D U L Ị C H Hà Nội, ngày 06 t háng 3 năm 2013
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
NĂM GIA ĐÌNH VIỆT NAM 2013
NĂM GIA ĐÌNH VIỆT NAM 2013
Ngày 09 tháng 5 năm 2011, Ban Bí thư có Thông báo Kết luận số 26-TB/TW về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định xây dựng gia đình Việt Nam là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của cả dân tộc của cả thời đại. Ngày 19 tháng 02 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 251/TTg-KGVX V/v lấy năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam. Ngày 08 tháng 3 năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức họp báo tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố và chuẩn bị tổ chức Lễ phát động Năm Gia đình Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng tiếp theo chuỗi sự kiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012, Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 04/12/2012, Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về nội dung công tác gia đình, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của gia đình; tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Năm Gia đình Việt Nam 2013 nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến gia đình; quyền, nghĩa vụ của gia đình, các cơ quan liên quan đến gia đình; kỹ năng sống, cách tổ chức cuộc sống gia đình và xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường hiệu quả công tác giáo dục về gia đình;
Hoạt động của Năm Gia đình Việt Nam 2013 ở cấp Trung ương và địa phương tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Đẩy mạnh công tác phối hợp truyền thông về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
- Chỉ đạo tổ chức các hoạt động/sự kiện tuyên truyền/hỗ trợ xây dựng gia đình.
- Chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng các mô hình.
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hoạt động đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng gia đình; thực hiện Luật hôn nhân và gia đình; Luật chăm sóc bảo vệ trẻ em; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới; tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi các nội dung liên quan đến gia đình; vấn đề phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.
- Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động “Năm Gia đình Việt Nam” vào cuối năm 2013.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động của Năm Gia đình Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức Lễ Phát động Năm gia đình Việt Nam dự kiến vào 8h00 ngày 16/3/2013 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Thủ đô Hà Nội.
KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2012
Năm 2012, Bộ VHTTDL tổ chức điều tra thực trạng bạo lực gia đình. Đây là một trong những nhiệm vụ đột phá của ngành VHTTDL trong năm 2012. Mục đích nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân của bạo lực gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian vừa qua, đề xuất giải pháp giảm thiểu bạo lực gia đình trong giai đoạn tiếp theo.
Điều tra được thực hiện bằng hai phương pháp chính là thống kê và điều tra xã hội học. Kết quả điều tra cho thấy:
- Mặc dù các địa phương đã tích cực và huy động các ngành, đoàn thể vào tập trung phòng, chống bạo lực gia đình nhưng tình trạng bạo lực gia đình xảy ra còn cao và diễn biến phức tạp.
Từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012, 63 tỉnh/thành đã thống kê được 178.847 vụ bạo lực gia đình. Năm 2009 là 53.152 vụ, năm 2010 là 53.863 vụ, năm 2011 là 46.449 vụ và 6 tháng đầu năm 2012 là 25.383 vụ. Trong đó, BLGĐ với phụ nữ là 106.520 vụ chiếm tỷ lệ 64,3%, BLGĐ với trẻ em là 23. 346 vụ chiếm tỷ lệ 14,08 %, BLGĐ với người cao tuổi là 16.148 vụ chiếm tỷ lệ 9,7%. 25 tỉnh/thành bạo lực gia đình có xu hướng giảm; 6 tỉnh/thành có xu hướng tăng.
- Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực gia đình hiện nay là: Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới; nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân còn hạn chế; chính quyền, đoàn thể nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư của gia đình; chế tài thực hiện Luật PCBLGĐ chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình. Ngoài ra còn các nguyên cớ gắn trực tiếp với các hành vi bạo lực gia đình: say rượu; bức xúc vì kinh tế khó khăn; ngoại tình; ghen tuông; lối sống cá nhân; mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày.
- Hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền và đoàn thể khá tích cực. Hiện có 34 tỉnh/thành đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCBLGĐ; tính trung bình, mỗi tỉnh/thành có 09 huyện thành lập ban chỉ đạo cấp huyện (tính trong 47 tỉnh/thành có báo cáo) và 96 xã/phường có ban chỉ đạo cấp xã về phòng, chống bạo lực gia đình (tính trong 53 tỉnh/thành có báo cáo). Về hoạt động can thiệp hỗ trợ, trung bình mỗi tỉnh/thành có 229 nhóm PCBLGĐ (tính trong 57 tỉnh/thành cung cấp thông tin), có 455 tổ tư vấn (tính trong 38 tỉnh/thành có báo cáo) và 213 CLB (tính trong 51 tỉnh/thành có báo cáo). Ngoài ra, nhiều tỉnh/thành còn thực hiện một số giải pháp khác: thành lập đường dây nóng, thành lập CLB gia đình hạnh phúc, CLB phụ nữ với pháp luật, thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hoạt động trợ giúp pháp lý...
- Về các biện pháp xử lý của chính quyền, đoàn thể: Có 78,2% người đại diện hộ gia đình cho biết trong 12 tháng qua khi xảy ra bạo lực gia đình có sự can thiệp của chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Các biện pháp xử lý thường là “can ngăn và hòa giải tại chỗ” (chiếm 97,6% người trả lời) ; “báo với người có trách nhiệm xử lý” (62,1%); “giúp nạn nhân bị bạo lực tạm lánh” (46,3%); “kiểm điểm, phê bình người gây ra bạo lực” (51,2%), “xử lý hành chính người gây ra bạo lực” (21,5%).
Từ kết quả điều tra, trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, năm 2013 Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Bộ VHTTDL xác định việc nhân rộng và nâng cao hiệu quả của Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình là nhiệm vụ đột phá nhằm thực hiện có hiệu quả những quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2013./.