Thông cáo báo chí các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014; Sơ kết tổ chức và quản lý Lễ hội đầu năm 2014
12/03/2014 | 15:32THÔNG CÁO BÁO CHÍ Các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014; Sơ kết tổ chức và quản lý Lễ hội đầu năm 2014 -------------------------
I. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG NHÂN NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC NĂM 2014
Thực hiện Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2014.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản Hướng dẫn số 342/BVHTTDL-GĐ ngày 18 tháng 02 năm 2014 gửi các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đề, khẩu hiệu tuyên truyền; nội dung, hình thức và thời gian tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2014 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên được chính thức tổ chức tại Việt Nam.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014 gồm:
1. Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc, chủ đề và khẩu hiệu của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc; chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ; gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
2. Hoạt động tuyên truyền trực quan, cổ động thông qua hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền trên bảng tin cộng đồng chủ đề và các khẩu hiệu của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2014 tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư.
3. Tổ chức mít tinh, hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, cuộc thi, hội thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, các hình thức phù hợp khác về hạnh phúc nói chung, hạnh phúc của người Việt Nam nói riêng, bao gồm hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dòng họ, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc học đường, hạnh phúc trong hoạt động xã hội và các vấn đề liên quan. Các hoạt động sẽ được lựa chọn để tổ chức phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương, cơ quan, ban ngành.
Theo kế hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc vào 9h00 ngày 20 tháng 3 năm 2014 tại Nhà hát Lớn, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
II. CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỄ HỘI ĐẦU NĂM 2014
1. Công tác chỉ đạo thực hiện
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 329/CT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 trong đó có nội dung về hoạt động lễ hội; Công văn số 4449/BVHTTDL-TTr ngày 05/12/2013 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014; Công văn số 25/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2014 về việc sử dụng hợp lý tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng; Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 về việc Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Công văn số 395/BVHTTDL-TTr ngày 21/02/2014 về việc triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Công văn số 9478/NHNN-PHKQ ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng và chọn nhiệm vụ đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 là sử dụng hợp lý, đúng mục đích tiền có mệnh giá nhỏ trong việc đặt tiền lễ, tiền công đức; cung cấp thông tin với một số cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội. Bộ đã chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện, các cơ quan chức năng thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nghiên cứu những nghi lễ, những giá trị văn hóa lễ hội, những vấn đề mới nảy sinh, phát sinh trong hoạt động lễ hội để kịp thời tham mưu cho Bộ tăng cường công tác quản lý lễ hội, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội, di tích để nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện nếp sống văn hóa của nhân dân khi tham gia lễ hội.
2. Kết quả đạt được: Lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn; vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với các kỳ lễ hội của những năm trước đây.
- Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội:
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức quan tâm chú trọng, các lễ hội được mở đều xây dựng các biện pháp, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các ngành, các lực lượng chức năng tại các địa phương tham gia quản lý và tổ chức lễ hội đã phối hợp chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ lực lượng, các phương tiện phục vụ lễ hội như: Lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường (BQLDTLS Đền Hùng (Phú Thọ), BQLDT Đền Trần (Nam Định), Ban Quản lý Di tích danh thắng Chùa Hương (Hà Nội) ứng trực 100% quân số ngay từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ để phục vụ khách tham quan, vãn cảnh, hành lễ...; Ban Quản lý Di tích danh thắng Chùa Hương đã bố trí 5000 đò phục vụ chở khách, tập huấn hướng dẫn chủ đò kiến thức về Luật Di sản văn hoá, Luật Giao thông đường thủy, đường bộ và Luật Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, một số lễ hội, di tích đã đưa các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại vào quản lý di tích như lắp đặt camera ghi hình ở các khu vực quan trọng của di tích để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), Đền Đồng Bằng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Với việc tập trung chỉ đạo và sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, đến nay lễ hội trên cả nước diễn ra an toàn, không có vụ việc, tiêu cực lớn xảy ra.
- Công tác tuyên truyền:
Các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội, lịch sử di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương và dân tộc để giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội (Báo Văn hóa, Thời báo Ngân hàng...). Chính quyền các cấp cùng Ban quản lý các di tích chú trọng phát hành các ấn phẩm văn hoá để giới thiệu tuyên truyền về di tích, lễ hội và nhân vật thờ tự để người tham gia lễ hội hiểu rõ hơn về di tích, lễ hội. Xây dựng các bảng biển để hướng dẫn nhân dân và du khách tham gia lễ hội được thuận lợi.
- Công tác quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu và sử dụng hợp lý tiền có mệnh giá nhỏ:
Thực hiện nhiệm vụ đột phá năm 2014 là sử dụng hợp lý, đúng mục đích tiền có mệnh giá nhỏ trong việc đặt tiên lễ, tiền công đức, Ban Tổ chức, Ban Quản lý di tích đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền công đức có mệnh giá nhỏ hợp lý, đúng mục đích. Các dịch vụ đổi tiền lẻ đã được Ban Tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện theo Công văn số 25/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2014 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch về việc sử dụng hợp lý tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng từ đó các dịch vụ đổi tiền không còn phổ biến như trước đây. Đa số các Ban Quản lý di tích đã bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đúng quy định, khoa học, thuận tiện cho nhân dân và du khách. Việc thu gom tiền lễ, tiền công đức được kịp thời đã đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự, hiện tượng cài, đặt tiền lên tay tượng, Phật, rải tiền xuống giếng… đã giảm đi rõ rệt. Việc quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu từng bước được thống nhất và đảm bảo việc thu, chi được tổng hợp ghi chép công khai, đầy đủ.
- Việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách gắn với phát triển du lịch:
Việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân và du khách tham gia lễ hội gắn với phát triển du lịch lễ hội đã được các địa phương quan tâm. Công tác tôn tạo, tu bổ di tích từng bước được thực hiện; quan tâm chú ý đến việc nghiên cứu và khôi phục nghi lễ, những giá trị văn hóa truyền thống; việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm chú ý, hiện tượng bán hàng tại khu vực I của di tích không còn phổ biến, các khu vực bãi đỗ xe, khu dịch vụ từng bước được quy hoạch thuận tiện cho nhân dân và du khách; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ trong lễ hội, di tích được chú trọng.
Việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách từng bước được chú trọng, cơ sở vật chất các dịch vụ được nâng cấp và ngày càng đảm bảo mỹ quan, một số lễ hội đã niêm yết giá giảm thiểu việc tùy tiện nâng giá các dịch vụ, hiện tượng chèo kéo khách, ép giá, ăn mày, ăn xin tại các lễ hội giảm đi rõ rệt, nhân dân và du khách đến với lễ hội an toàn hơn, vui tươi hơn.
- Thực hiện nếp sống văn minh lễ hội:
Với việc tăng cường công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tuyên truyền vận động của các cơ quan thông tin đại chúng của các Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội từng bước được nâng lên, đến nay hiện tượng thắp hương nhiều trong trong di tích, hiện tượng dâng lễ chín, hiện tượng cài tiền vào tay tượng, Phật, hiện tượng đặt tiền không đúng chỗ, hiện tượng đốt đồ mã đã giảm rõ rệt, ý thức của nhân dân và du khách tham gia lễ hội ngày càng được nâng cao.
Tóm lại: Hoạt động lễ hội đầu Xuân Giáp Ngọ đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước. Với tinh thần quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự tập trung chỉ đạo của Bộ và sự vào cuộc tích cực của các Cấp ủy, Chính quyền các cấp cũng như sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương nên công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu Xuân Giáp Ngọ trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định.
Các phương án đảm bảo an toàn lễ hội được quan tâm chú trọng vì vậy đã không để xảy ra các sự cố, các biểu hiện tiêu cực nghiêm trọng. Nhiệm vụ đột phá trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra đã được các Cấp ủy, Chính quyền các địa phương triển khai thực hiện và bước đầu đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội từng bước được nâng cao, những hình ảnh phản cảm trong lễ hội không còn phổ biến như trước đây, chất lượng phục vụ du khách từng bước được chú trọng, mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội đầu Xuân Giáp Ngọ đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho du khách.
3. Một số hạn chế:
- Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số lễ hội chưa được đảm bảo, hiên tượng chen lấn, xô đẩy, dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng (dễ biến tướng cờ bạc trá hình) vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội; vẫn xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, việc bày bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, treo thịt gia súc, gia cầm sống rất phản cảm như: chùa Hương, Đền Đức Thánh Cả - thành phố Hà Nội, phủ Dày (Chợ Viềng), Đền Trần - tỉnh Nam Định...
- Việc thực hiện nếp sống văn minh tại một số lễ hội chưa cao, hiện tượng ăn xin, dùng người khuyết tật đi bán hàng hàng lưu niệm, bán tăm từ thiện, chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem tay, xem tướng vẫn còn diễn ra ở một số di tích, lễ hội như: Chùa Keo (Thái Bình), Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Dày (Nam Định)...
- Dịch vụ đổi tiền lẻ, việc sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Tiền lễ, hoa dâng lễ, gạo muối ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời làm ảnh hưởng tính tôn nghiêm nơi thờ tự.
- Việc quy hoạch hàng quán dịch vụ trong khu vực lễ hội, di tích chưa được kịp thời chú trọng, các hàng quán dịch vụ hoạt động sát cạnh di tích (khu vực I) vẫn còn xảy ra tại một số di tích, các khu vực bãi đỗ xe chưa được quy hoạch, nâng cấp đảm bảo khoa học, thái độ phục vụ còn thiếu văn minh lịch sự. Các công trình phụ trợ cho lễ hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng các dịch vụ phục vụ lễ hội chưa cao và còn mang tính mùa vụ.
- Công tác tuyên truyền giới thiệu về lễ hội, di tích, các bảng biển hướng dẫn để nhân dân và du khách biết và thực hiện tại một số lễ hội còn hạn chế.
- Công tác tuyên truyền, đưa tin lễ hội, có một số bài viết phản ánh chưa đúng, chạy theo trào lưu đả kích, phê phán, không mang tính xây dựng, chưa có sự hiểu biết sâu về lễ hội được phản ánh.
4. Một số biện pháp tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 4449/BVHTTDL-TTr ngày 05/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014; Chỉ thị số 329/CT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014; Công văn số 25/BVHTTDL-VHCS ngày 07/01/2014 về việc quản lý sử dụng hợp lý tiền mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng… và các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, lễ hội, đưa các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian làm phong phú trong phần hội. Hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền dầu nhang đúng nơi quy định và bố trí lực lượng thu gom tiền kịp thời. Hạn chế thắp nhang, nến, đốt vàng mã không đúng nơi quy định trong khu vực di tích; không mặc trang phục phản cảm vào nơi thờ tự, không xóc thẻ, rút thẻ, lên đồng, phán truyền. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích.
- Quy hoạch sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông cho hợp lý, đảm bảo thẩm mỹ. Các hộ kinh doanh phải ký cam kết đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế bán đồ mã trong khu vực di tích, lễ hội. Kiên quyết không bố trí những hộ kinh doanh đổi tiền lẻ, bán đồ mã; các dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng (dễ biến tướng cờ bạc trá hình) trong khu vực lễ hội, di tích.
- Chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân tham gia lễ hội. Xây dựng phương án phòng, chống thảm họa có thể xảy ra.
+ Tăng cường hệ thống bảng, biển; bổ sung các thùng rác công cộng và công trình vệ sinh công cộng để đáp ứng công năng phục vụ du khách.
+ Bố trí hòm công đức đúng quy định; không tiếp nhận công đức bằng hiện vật, không đưa các đồ thờ tự không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc vào di tích, khắc bia công đức. Quản lý và sử dụng nguồn thu - chi tiền công đức đúng mục đích, đúng pháp luật.
- Tiến hành quy hoạch tổng thể các di tích, nơi tổ chức lễ hội, cắm mốc phân giới rõ khu vực I, khu vực II; các công trình phụ trợ phục vụ du khách về lễ hội (nhà vệ sinh công cộng, khu trông giữ phương tiện, khu vực hàng quán dịch vụ…), đề nghị trùng tu, tôn tạo, xếp hạng di tích... phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định của Pháp luật có liên quan.
- Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý di tích và lễ hội để kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng thực hành hoạt động lễ hội tại địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.