Thoát nghèo nhờ phát triển du lịch ở ngôi làng "độc nhất vô nhị" nơi biên cương Cao Bằng
23/03/2022 | 14:43Nằm giữa 2 khu du lịch nổi tiếng là thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, có một ngôi làng tên là Khuổi Ky, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ngôi làng này đã thoát được nghèo nhờ phát triển du lịch.
Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương
Làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là "Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người". Ngôi làng này được xem như một điểm nhấn văn hóa vô cùng đặc biệt với không gian đậm màu huyền ảo.
Đặt chân vào làng Khuổi Ky, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của đá ở khắp mọi nơi. Đá được người dân xếp thành đường đi lối lại, tường rào, làm cối xay, làm bàn ghế và dựng lên những căn nhà. Dù những ngôi nhà trong làng vẫn mang kiến trúc quen thuộc của người vùng cao nhưng thay vì bằng gỗ, tường và bậc nhà được làm bằng đá. Thời gian hoàn thành một ngôi nhà bằng đá như vậy có thể mất tới vài năm. Có lẽ vì thế, những ngôi nhà ở làng Khuổi Ky đã trở thành điểm hấp dẫn trong mắt du khách tham quan.
Vậy mà, trước đó không lâu, Khuổi Ky vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình không đủ cơm ăn. Ngày nay, làng đã thay đổi với một diện mạo mới hơn. Điện, đường, trường, trạm… cái gì cũng đã có. Nơi đây, nhiều hộ dân đã khá giả hơn nhờ phát triển du lịch cộng đồng
Theo ông Lương Văn La, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, năm 2016, từ nhận thức về lợi thế cảnh sắc thiên nhiên và nét văn hóa đặc trưng vốn có, các hộ dân trong làng đã chuyển dần sang kinh doanh loại hình dịch vụ này.
Trên cơ sở này, năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Thoát nghèo nhờ phát triển du lịch cộng đồng
Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi, định hướng, cải thiện môi trường, cảnh quan cũng như mở các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và dịch vụ homestay cho người dân. Hiện nay, khi ghé thăm làng Khuổi Ky, ngoài tĩnh dưỡng và tham quan, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống sản xuất, lao động như: gặt lúa, hái măng, bắt cá, chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày.
Chính những trải nghiệm thú vị không giống những điểm du lịch khác đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến với làng Khuổi Ky. Và cũng nhờ những hiệu quả đem lại từ mô hình du lịch cộng đồng, bà con nông dân làng Khuổi Ky đã có thêm thu nhập, việc làm và vượt lên thoát nghèo.
Hiện nay tại làng Khuổi Ky có 7 hộ cung cấp dịch vụ lưu trú homestay với mức phí từ 100.000-400.000 đồng/ngày. Chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi chia sẻ, chị bắt đầu công việc cung cấp dịch vụ lưu trú homestay từ năm 2016, còn trước đó chỉ làm ruộng. Kể từ khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ này, chị đã bắt đầu sử dụng Zalo, Facebook nhiều hơn để chia sẻ và quảng bá về homestay của mình. Trong thời gian tới, chị dự định sẽ mở thêm một cơ sở nữa và lập thêm trang website cho các cơ sở của mình.
Chị Điệp cho biết, trong những năm từ 2017 đến hết 2019, lượng khách tới nghỉ tại homestay khá đông, tuy nhiên sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm mạnh, thu nhập chỉ đủ để đóng tiền điện. Chị hi vọng, với quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới thì trong 1-2 tháng nữa lượng du khách tới làng Khuổi Ky sẽ đông hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy Lương Văn La cho biết, nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 8,9%. Chương trình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Đàm Thủy đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Lượng khách du lịch đến với huyện Trùng Khánh thì có tới trên 80% là tới xã Đàm Thủy.
Nếu như trong những năm từ 2010 đến 2015, lượng khách du khách đến huyện Trùng Khánh chỉ đạt 60.000 lượt/năm thì tới năm 2017 đã tăng đột biến lên tới 162.000 lượt, đến năm 2018 là 364.000 và kết thúc năm 2019 đạt tới trên 600.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Từ năm 2020 trở lại đây do dịch Covid-19 nên lượng khách giảm chỉ còn trên 100.000 lượt, riêng xã Đàm Thủy là 50.000-60.000 lượt người.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo ông Lương Văn La, khó khăn mà xã Đàm Thủy gặp phải trong quá trình phát triển mô hình du lịch cộng đồng là nguồn vốn hỗ trợ còn manh mún, công tác quảng bá chưa được nhiều, người dân vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vay, môi trường du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, định hướng cho bà con nông dân phát triển du lịch cộng chưa mang tính lâu dài.
Mục tiêu sắp tới trong việc phát triển du lịch cộng đồng của xã nói riêng và địa phương nói chung là tiếp tục đề xuất cấp ủy, chính quyền huyện, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, cải thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông. Song song với đó là việc phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm trên sông Quế Sơn gắn với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc để hấp dẫn du khách hơn.
Cùng với đó, xã sẽ hướng đến xây dựng ban quản lý giám sát mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành, tổ chức định hướng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân tham gia phát triển du lịch. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào loại hình du lịch này, để đưa du lịch cộng đồng phát triển bài bản và lên một tầm cao mới./.