Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Thế giới ngợi ca Người – Danh nhân Hồ Chí Minh

01/11/2020 | 11:22

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè thế giới, chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam và nhắc đến Việt Nam cũng chính là nhắc đến Người và ngược lại. Người là một nhân vật lịch sử được yêu thích khắp năm châu không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Thế giới ngợi ca Người – Danh nhân Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Nhân dân Ba Lan nồng nhiệt đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 7/1957 - Ảnh tư liệu. (Nguồn: Hà Nội mới)

Cuộc đời cách mạng của Người đã thăng trầm cùng những bước ngoặt quan trọng của lịch sử dân tộc và thế giới. Chứng kiến cảnh đế quốc, thực dân bóc lột và đàn áp mà đồng bào mình, con người mảnh dẻ đó đã tự ghánh lấy sứ mệnh vĩ đại mang ngọn đuốc sáng soi đường đưa dân tộc mình bước qua đêm tối của khổ đau, nô lệ. Ý chí và khát vọng lớn lao đã giúp người vượt qua mọi gian khổ, tù đày để hoàn thành sứ mệnh với dân tộc và nhân loại, khắc tên mình trên bức tường danh nhân đã làm nên lịch sử thế giới thế kỷ 20.

Hồ Chí Minh - Giản dị là một sức mạnh

Điều khác biệt ở Hồ Chí Minh so với những nhà lãnh đạo khác trên thế giới có lẽ là ở sự gần gũi, giản dị của Người. Hồ Chí Minh là hình ảnh sống về đạo đức cách mạng. Nói về sự khiêm tốn, giản dị chân thành của Người, cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu : "Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông (1).

Sau khi cách mạng thành công ở miền Bắc Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể lo cho Người một cuộc sống tiện nghi hơn những năm kháng chiến, nhưng Người đã tù chối cuộc sống xa hoa trong những dinh thự sang trọng mà chọn cho mình một cuộc sống giản dị như bao người dân Việt Nam vào thời kỳ đó. Tiện nghi trong cuộc sống chỉ bao gồm những thứ tối cần thiết. Quần áo sang trọng nhất cũng chỉ là một bộ đại cán may bằng vải kaki. Những bữa ăn hàng ngày lúc nào cũng có rau luộc và cà muối dầm tương. Nhưng sự giản dị khiêm tốn đó vẫn toát lên tâm hồn, cốt cách thanh cao và tao nhã. Trong những năm tháng đất nước bộn bề những khó khăn, Người vẫn sáng tác những áng thơ tuyệt tác. Nơi ở của Người, bao giờ cũng tràn ngập màu xanh của cây cối và cỏ hoa, rộn tiếng chim ca trong vườn và tiếng cá quẫy dưới ao sâu. Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác, đã viết: "Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết…"(2).  Nhà văn nữ Blaga Đimitrova của Bulgaria cũng viết trong "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh": "Niềm hy vọng cũng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh… (3).

Những ai đã được một lần tiếp xúc với Người đều không thể quên được hình ảnh gần gũi, giản dị, cách ứng xử chân thành xóa đi mọi rào cản và khoảng cách. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Tại ngôi nhà sàn giản dị, tầng một để hoàn toàn thoáng với không gian xung quanh. Giữa thiên nhiên rộng mở, mọi nghi thức ngoại giao đều được xóa bỏ. Người dành cho các cháu thiếu nhi một chỗ đặc biệt trong ngôi nhà của mình, đó là những chiếc bệ bê tông lát gỗ phía trên bao quanh ngôi nhà. Có thể tưởng tượng ra tiếng nói, tiếng cười và cả tiếng hát vui tươi của trẻ thơ vẫn như còn rộn ràng nơi đây. Nơi người tiếp khách đôi khi ở giữa vườn cây, đôi khi lại chính là phòng làm việc ở tầng 2 ngôi nhà sàn, khách với chủ có thể ngồi cùng nhau dưới sàn nhà trò chuyện. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh Giôn Gô-lan có nhận xét sau khi làm việc với Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh rằng: "Được gặp gỡ và nói chuyện với đồng chí Hồ Chí Minh là một ấn tượng không thể nào quên được. Đây là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại. Mặc dầu có những trọng trách phải gánh vác, Người vẫn thân ái, nhiệt tình và sôi nổi làm cho bạn cảm thấy thoải mái"(4). Chính phong cách giản dị và gần gũi đó lại làm nên phong cách riêng vô cùng đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói về điều này, nhà báo Mỹ David Stamp đã từng nhận xét: "Ở ông Hồ, tính giản dị là một sức mạnh. Ở địa vị càng cao thì ông lại càng giản dị và trong sạch. Ông không cố tìm kiếm cho mình những trang sức về quyền lực bởi ông tự tin ở chính mình và ở mối quan hệ giữa ông với nhân dân và lịch sử."

"Hồ Chí Minh - Nguồn cổ vũ cho một thế giới hòa bình"

Suốt đời chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Trong Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới, trong lĩnh vực chính trị - xã hội, từ điển đã dành hai trang 332-333 ghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX".

Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do và tiến bộ của toàn thể loài người. Tên Người không chỉ được công nhân, nông dân, chiến sỹ Việt Nam nhắc đến với cả tấm lòng tôn kính và tình thương yêu sâu sắc, mà đồng thời là niềm cổ vũ đối với thanh niên tiến bộ toàn thế giới. Lòng yêu nước, tính trung thực, lòng trung thành với lý tưởng của Người, cũng như ý chí kiên cường và điêu luyện về chính trị đã làm cho ngay cả quân thù cũng phải khâm phục. Cho đến phút cuối cùng, cả cuộc đời ấy đã dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng đấu tranh cho thắng lợi của những lý tưởng thiêng liêng chung của loài người: Công lý xã hội, bình đẳng dân tộc. Chính vì vậy, giai cấp công nhân toàn thế giới, tất cả những người trung thực đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân và chống chiến tranh, đều ghi sâu công ơn Người trong tâm khảm của mình.

Với những cảm nhận chân thành, sâu sắc về Hồ Chí Minh, báo Le Figaro của Pháp đã viết về Bác: "Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương… Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta" (5).

Đối với nhân dân châu Phi, Hồ Chí Minh là hình ảnh được coi như "một lãnh tụ thần thoại", tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh hùng và thắng lợi của dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Ở đất nước Chile - nơi cách xa Việt Nam hàng vạn dặm, một người thanh niên tên Victore Hara đã đặt hình ảnh Hồ Chí Minh lên ngực mình và hát một bài hát về Bác tại quảng trường ở Helsinki trước hơn 5.000 đại biểu thanh niên, sinh viên thế giới vào lúc 9h sáng ngày 23/08/1969. Victore Hara đã trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay tàn sát đẫm máu của chế độ độc tài Pinochet. Ông Houari Boumediene, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa nhân dân Algeria đã viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc" (6). Tổng thống Sekou Toure của Guinea cũng viết : "Xuất sắc và dũng cảm người anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á – Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới … (7).

Vào ngày 09/01/2008, Bí thư Đảng cộng sản Liên bang Nga D. T. Novikov  đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: "Hồ Chí Minh sẽ còn ở lại mãi mãi trong lòng những chiến sĩ đấu tranh cho công lý, tự do và độc lập của dân tộc mình như là một trong những người kế tục vĩ đại và kiên cường nhất con đường của Các Mác và Lê-nin".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tổ chức và sáng tạo ra lịch sử của dân tộc Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ XX. Tuy Người đã đi xa song Người để lại cho dân tộc Việt Nam những thành quả là tư tưởng, lòng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa nhân đạo cao cả mà Người đã dày công vun đắp. Đồng thời, Người còn để lại cả di sản cao đẹp về một tấm gương của lòng trung thành phục vụ nhân dân, về ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất chống bạo lực của đế quốc, ý chí đó đã biến thành sức mạnh và là nguồn cảm hứng bất diệt cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi chẳng những là một tổn thất to lớn của nhân dân Việt Nam mà còn là một tổn thất lớn của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi, đã bước sang một vận hội mới phù hợp với xu thế tiến lên của thời đại, nhưng những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung. 

 (1) – Trích phát biểu của Tổng thống Chi Lê Xanvađo Agienđê trên báo dân tộc của Ấn Độ ngày 05/09/1969.

(2) – Harrison S. Sarisbury – Nhà báo Mỹ (1967) – Nhật Khanh dịch

(3) – "Hồ Chí Minh niềm hy vọng lớn nhất" – Blaga Đimitrôva – "Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh" – NXB thanh niên – H 1985 – In 23.

(4) – Báo Quân đội nhân dân – 15/11/1969

 (5) – "Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất" – Lơphigaro (báo Pháp)

(6) – "Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ Tịch" – NXB S.T. Tập II – H. 1970 – In 175

(7) – Sđd – tập V – in 182.

 

Ths. Lê Thị Thanh Loan - Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×