Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Luật Điện ảnh
02/04/2020 | 08:18Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Luật Điện ảnh, đề án “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở lưu trú ngắn hạn tại TP Hồ Chí Minh tạm dừng nhận khách mới là hoạt động văn hóa , du lịch đáng chú ý tạo thành phố mới đây.
Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Luật Điện ảnh
Thực hiện Công văn số 2604 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ngày 31/3 UBND TPHCM đã có báo kết quả thi hành Luật Điện ảnh.
Điện ảnh Việt Nam gắn với vận mệnh của dân tộc, vừa là nhân chứng trên mỗi chặng đường lịch sử, vừa là người bạn đồng hành của nhân dân. Cùng với tính chất tiên tiến, điện ảnh Việt Nam cũng mang bản sắc dân tộc trong nhiều tác phẩm điện ảnh, thể hiện đậm nét những đặc điểm nổi bật, bản chất của con người và xã hội Việt Nam bằng những hình tượng, thủ pháp và ngôn ngữ điện ảnh phù hợp với tâm hồn và tình cảm người Việt Nam.
Luật Điện ảnh được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn, tạo cơ chế phát triển điện ảnh, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh nền kinh tế xã hội phát triển, hội nhập được xu thế phát triển của thế giới.
Sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế có tác động cải thiện mạnh mẽ đến pháp luật về điện ảnh nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, nâng cao được sự ổn định và chất lượng của pháp luật về điện ảnh, tránh được sự chồng chéo, dễ thực hiện, dễ dàng đi vào đời sống xã hội, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh, đồng thời nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Qua 14 năm (2006 – 2020) thực hiện Luật Điện ảnh và các văn bản có liên quan khác, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt công tác triển khai, phổ biến và hướng dẫn đầy đủ kịp thời nội dung đến toàn thể các doan nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nền điện ảnh thành phố phát triển. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý về điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy một số tồn tại như sau:
- Các quy định của Luật Điện ảnh chưa đầy đủ, chưa theo kịp tính đặc thù của hoạt động điện ảnh. Vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh
- Luật Điện ảnh chưa quy định cơ chế phối hợp giữa ngành điện ảnh với ngành khác như truyền hình, du lịch, tài chính , thông tin truyền thông nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh.
- Các biện pháp chế tài đối với một số hành vi vi phạm về phát hành phim, nhân bản và tàng trữ phim...quy định tại Luật Điện ảnh cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn
- Một số chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc như: chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chinh sách về dành quỹ đất xây rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị, đầu tư sản xuất phim thiếu nhi, truyền thống lịch sử...
- Đầu tư của nhà nước trên các mặt sản xuất, phổ biến phim và cơ sở vật chất còn hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Về đào tạo nhân lực chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nên công tác dạo tạo vẫn còn nhiều hạn chế
- Công tác xã hội hóa điện ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua có phát triển. Tuy nhiên , song hành là không ít bất cập, đặc biệt là vấn đề nội dung. Chưa có những sự hợp tác giữa tư nhân và Nhà nước để tạo ra những công ty lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó cần ghi nhận những năm gần đây, nhiều hãng phim tư nhân được thành lập và có những đóng góp đáng kế. Cùng với việc đổi mới trong quan điểm và các hành động thực tế nhằm thay đổi cách thức quản trị văn hóa của cơ quan nhà nước thì những hạn chế của điện ảnh khu vực công đã phần nào được khắc phục được thế mạnh của điện ảnh tư nhân.
Cuối cùng, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất kiến nghị có nhiều chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho cơ sở sản xuất điện ảnh. Quan tâm đầu tư, xây dựng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng kịp thời với nhu cầu , trình độ phát triển ngày càng cao của lĩnh vực điện ảnh. Tiếp tục xây dựng, định hướng Phát triển nền điện ảnh Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh dân tộc nhân văn,hiện đại đồng thời tạo dựng các hành lang pháp lý phù hợp để tăng cường hiệu quản quản lý các hoạt động điện ảnh cả nước trong thời gian tới.
Đề án "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa.
Việc ra đời chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa là tín hiệu vui đối với người dân thành phố, nhất là những người làm nghệ thuật. Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu của cả nước, nhưng thời gian qua, ngành văn hóa của thành phố vẫn chưa phát triển xứng tầm với vị trí đang có. Không gian dành cho văn hóa ngày càng bị thu hẹp dẫn đến nghệ sĩ thiếu sân khấu biểu diễn hoặc phải thuê mướn địa điểm; nhiều tác phẩm nghệ thuật không có không gian trưng bày phải cất vào kho; các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được bảo tồn, phát huy hiệu quả; công tác đào tạo đội ngũ kế thừa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang gặp nhiều bất cập...
Những thực tế đáng báo động đó đã được đem ra bàn luận, phân tích trên nhiều diễn đàn trong thời gian qua, cho thấy thành phố cần có những giải pháp cấp bách để vực dậy ngành văn hóa. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà thành phố đang xây dựng sẽ như một "cú huých", thúc đẩy ngành văn hóa phát triển có định hướng và xứng tầm. Trong đó, phải phát huy đến mức cao nhất nội lực của thành phố về văn hóa, thúc đẩy được sức sáng tạo của người nghệ sĩ, bảo đảm đời sống cho đội ngũ văn nghệ sĩ, và phải tạo được không gian văn hóa mang mầu sắc thành phố. Thành phố có thể học tập kinh nghiệm phát triển văn hóa ở các thành phố lớn trong khu vực và thế giới, nhưng không áp dụng rập khuôn mà phải biết chọn lọc, phát huy những nét đặc trưng của thành phố. Vì thế, xây dựng được hình ảnh văn hóa của một thành phố trẻ, năng động, hiện đại, kết hợp phát huy hiệu quả hệ thống di sản, nghệ thuật truyền thống của thành phố ở một tầm cao hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng được những địa chỉ văn hóa hoạt động hiệu quả, phục vụ mọi tầng lớp nhân dân.
Các cơ sở lưu trú ngắn hạn tại TP Hồ Chí Minh tạm dừng nhận khách mới
UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, Airbnb và loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn theo giờ trên địa bàn thành phố kể từ ngày 1 đến ngày 15/4.
Đây là nội dung chính trong văn bản số 1202 do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm ký ngày 31/3 gửi đến các Sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện trên địa bàn nhằm siết chặt quản lý. Theo đó, yêu cầu các đơn vị có thông báo đến các cơ sở lưu trú du lịch để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở lưu trú du lịch tại TP Hồ Chí Minh thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nghiêm túc. Đồng thời, chủ động thực hiện các biện pháp giám sát y tế theo quy định của cơ quan y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách lưu trú và người lao động.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.800 cơ sở lưu trú với 42.000 phòng nghỉ được xếp hạng, cùng với 29.000 doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngành du lịch. Trong những năm gần đây, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đóng góp 11% - 15% GDP của thành phố và 6% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.