Thành phố Hồ Chí Minh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp
30/07/2024 | 11:34Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch gắn liền với du lịch. Theo đó, Thành phố đã xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch nông nghiệp để giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển tour du lịch nông nghiệp
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như nông nghiệp công nghệ cao, hái trái thưởng thức tại vườn và mua mang về... được nhiều du khách yêu tích. Chẳng hạn, huyện Cần Giờ có mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An. Mô hình này được triển khai từ cuối năm 2022 đến nay, đã đón khoảng 4.500 lượt khách. Khi đến đây, du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch nông nghiệp mới mẻ như: “tắm" rừng, đua bạch tuộc, tìm hiểu nghề làm muối hay thưởng thức những đặc sản địa phương…
Tương tự, thành phố Thủ Đức thời gian gần đây phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp xanh như Suối Tiên Farm, nông trại rau sạch... Bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc Khu Du lịch và Văn hóa Suối Tiên cho biết, đơn vị đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp độc đáo từ việc khai thác các vườn trái cây "độc lạ", chẳng hạn như tour tham quan hái trái tại vườn sung Mỹ. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đến trải nghiệm "có một không hai" tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, du khách được trực tiếp vào vườn tham quan, tận tay hái trái để ăn hoặc mua trái tại vườn mà không cần phải vượt quãng đường xa đến với xứ sở trồng sung Mỹ nổi tiếng ở Ý, Tây Ban Nha, Úc hay bang California của Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, đơn vị còn tiếp tục mở rộng quy mô trồng trọt các loại trái cây "độc lạ" để du khách tham quan tìm hiểu như: vườn ớt Aji Charapita Peru, nho Hồng Nhật, ổi sim Nhật Bản, nho kẹo đen Pháp, chanh dây Mỹ, vú sữa hoàng kim Đài Loan, cherry Brazil…
Tương tự, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện có rất nhiều tiềm năng để phát triển các tour du lịch về văn hoá, lịch sử, sinh thái với 20 tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp như: mô hình trồng dưa Huỳnh Long, làng mai vàng Bình Lợi, mô hình nuôi cá Koi trong ao đất... Tuy nhiên, dù giới thiệu quảng bá rộng rãi nhiều nhưng một số điểm đến vẫn còn vắng khách. Vì vậy, huyện mong muốn các doanh nghiệp lữ hành liên kết xây dựng, quảng bá để sản phẩm du lịch nông nghiệp được nhiều du khách biết đến.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, hiện nay, du khách thường có nhu cầu lựa chọn các điểm đến gần ngoại thành để nghỉ ngơi và các quận, huyện ngoại thành Thành phố có thế mạnh về sản phẩm du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, các điểm tham quan du lịch nông nghiệp ở khu vực ngoại thành TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế, như: sản phẩm đã có nhưng chưa đủ hấp dẫn để kéo khách đi tham quan, tìm hiểu; năng lực tiếp nhận khách tại điểm đến chưa đủ lớn, khu ăn uống, sinh hoạt, nhà vệ sinh… đều thiếu thốn, hạn chế.
"Ví dụ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có làng nghề đan lát khá nổi tiếng với hàng trăm năm tuổi và nhiều mặt hàng bán đi nước ngoài hay như quận Gò Vấp có nghề đúc đồng đang tồn tại lâu đời nhưng vẫn khó hút khách tham quan vì thiếu một số dịch vụ phục vụ du lịch...", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Xu hướng mới
Theo các chuyên gia ngành du lịch, du lịch nông nghiệp là sản phẩm đặc thù và sẽ là xu hướng mới để thu hút khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu cho du lịch TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút du khách.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho biết, chất liệu du lịch nông nghiệp - nông thôn tại thành phố là đã có, vấn đề cần làm là kết nối chúng lại trở thành chuỗi trải nghiệm để gia tăng cảm xúc cho du khách. Với những sản phẩm du lịch nông nghiệp được đầu tư chất lượng cao, về lâu dài sẽ giúp thu hút du khách, nhất là những nhóm khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa độc đáo, đa dạng...
Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm mới có tính sáng tạo cho các doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, để phát triển loại hình này, Thành phố cần phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch... Trong đó, quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu đón khách du lịch khi cần.
Tương tự, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam cho ràng, chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn phát triển sản phẩm du lịch, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp, các doanh nghiệp lữ hành và các "nông dân”, “trang trại viên” cũng phải chủ động phối hợp, liên kết hoạt động nghiên cứu thị trường tìm khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần liên kết để tìm kiếm sản phẩm phù hợp, cùng quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn để giữ chân du khách lâu hơn.
Dưới góc độ nhà quản lý, đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh có nhiều tài nguyên phát triển du lịch nông nghiệp và cũng xác định du lịch nông nghiệp là một trong những loại hình góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Thành phố. Vì vậy, Sở cũng tham mưu UBND Thành phố xây dựng chính sách đầu tư phát triển, tôn tạo, quản lý, xây dựng, quy hoạch, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng ngoại thành để phát triển du lịch nông nghiệp. Về lâu dài, Thành phố định hướng phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để có nhiều tiềm năng phát triển. Thành phố cũng đầu tư về cơ sở vật chất và mô hình phục vụ tham quan, tạo ra những mô hình cho khách tham quan và tham gia trải nghiệm thực tế như: trồng, thu hoạch và thực hành tại mô hình, tại vườn, tại khu vực sản xuất…
Hơn nữa, Thành phố cũng tập trung nâng cao năng lực về đội ngũ tác nghiệp, với những nhân viên, hướng dẫn viên và báo cáo viên chất lượng đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu tìm hiểu về du lịch nông nghiệp của khách du lịch, đặc biệt là đối tượng khách nghiên cứu, tìm hiểu mô hình phát triển. Tuy nhiên, Thành phố cũng hạn chế sự phát triển du lịch nông nghiệp một cách ồ ạt, vì sẽ kéo theo các hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Theo Báo Tin Tức